Có bị xử phạt khi chuyển đất trồng lúa sang trồng cây khác không?

  17/03/2018 - 11:19

Hỏi: Gia đình tôi có một mảnh đất trồng lúa rộng gần 500m2. Gần đây, chúng tôi chuyển từ trồng lúa sang trồng cây keo thay thế thì bị công an xã phạt hành chính 4 triệu đồng. Đồng thời, họ cũng yêu cầu chúng tôi phá bỏ cây keo đã trồng.

Luật sư cho tôi hỏi, việc xử phạt như thế có đúng không? Và để chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm thì thủ tục thế nào, hồ sơ cần những gì?

(Lê Thế Nguyên)

Trả lời:

Điểm a Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định, việc chuyển "đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối” nằm trong những trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Việc gia đình bạn tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây keo mà không chuyển mục đích sử dụng đất là vi phạm quy định. Hành vi vi phạm này có thể bị xử phạt hành chính 2-20 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014.

chuyển mục đích sử dụng đất
Việc tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây keo
mà không chuyển mục đích sử dụng đất là vi phạm quy định

Mức xử phạt đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng như sau:

- Nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 ha, mức phạt tiền từ 2-5 triệu đồng;

- Nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 3ha, mức phạt tiền từ trên 5-10 triệu đồng;

- Nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên, mức phạt tiền từ trên 10-20 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, bạn còn phải khôi phục lại tình trạng đất ban đầu. Do đó, việc công an xã xử phạt gia đình bạn là đúng quy định của pháp luật.

Hồ sơ xin chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm gồm:

- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Sau khi cơ quan tài nguyên môi trường nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan này có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, cơ quan này cũng trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

(Theo Vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu