Làm cách nào để trả lại đất cho bố mà không gộp vào tài sản chung?

  06/07/2017 - 02:48

Hỏi: Do tuổi cao, đi lại khó khăn, năm 2013, bố tôi đã chủ động chuyển quyền sử dụng đất và ngôi nhà cho vợ chồng tôi để đứng ra vay ngân hàng 100 triệu đồng.

Hiện nay, vợ tôi đơn phương ly hôn, đòi chia tài sản và căn nhà này. Cho tôi xin hỏi luật sư, làm cách nào để trả lại đất cho bố tôi mà không gộp vào tài sản chung? Khi vợ chồng chia tay, khoản nợ ngân hàng giải quyết thế nào? Xin cám ơn.

(Nguyễn Văn Hinh)

Trả lời: 

Tư vấn luật
Luật hôn nhân và gia đình quy định, nếu hai bên không thỏa thuận được về việc
phân chia tài sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi 

Với thông tin bạn cung cấp, thì làm cách nào để trả lại đất cho bố tôi mà không gộp vào tài sản chung

Trong trường hợp thứ nhất: Mảnh đất này vẫn thuộc quyền sở hữu của bố bạn mà không phải thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bạn nếu bố bạn cũng như bạn có chứng cứ chứng minh việc sang tên quyền sử dụng đất chỉ để vợ chồng bạn thực hiện các thủ tục vay vốn ngân hàng hộ và các chứng cứ này được Tòa án có thẩm quyền chấp nhận.

Theo đó, bố bạn sẽ là người vay vốn và có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng. Trong trường hợp này khi vợ chồng bạn ly hôn, mảnh đất cũng như cả khoản nợ trên sẽ không được xem xét để phân chia.

Với trường hợp thứ hai: Nếu bố bạn cũng như bạn không có chứng cứ chứng minh việc sang tên quyền sử dụng đất chỉ để bạn thực hiện các thủ tục vay vốn ngân hàng hộ. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và việc vay vốn ngân hàng đã được xác lập một cách hợp pháp, theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc xác định tài sản chung của vợ chồng: mảnh đất là tài sản chung và và khoản nợ cũng là nợ chung của hai vợ chồng.

Tại điều 59 Luật hôn nhân và gia đình quy định, nếu hai bên không thỏa thuận được về việc phân chia tài sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

“a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng…”.

Với các quy định ở trên, đối với trường hợp của bạn có thể thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh bạn là người có đóng góp nhiều hơn trong việc tạo lập cũng như duy trì khối tài sản chung để Tòa án xem xét quyết định phân chia cho hợp lý, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.

Luật sư, Thạc sỹ Phạm Thanh Bình

(Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)

(Theo Vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu