Đìu hiu thị trường nhà đất tại thành phố mới Bình Dương

  12/10/2018 - 11:06

Nằm giáp ranh Tp.HCM, trong khi đất và nhà ở tại Đồng Nai, Long An được giao dịch sôi động với giá cả tăng mạnh thì tại Bình Dương, hoàng loạt dự án khu đô thị đến nay vẫn ế ẩm, hoang tàn.

Giao dịch giảm mạnh

Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2018, trên thị trường Bình Dương, giao dịch đất nền có xu hướng chậm lại. Trong 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Dương, giao dịch chủ yếu tập trung ở các thị xã Thuận An, Dĩ An và TP. Thủ Dầu Một. Nhưng gần đây, giá chào bán tăng cao nên sức mua tại 3 địa phương này cũng có dấu hiệu giảm sút.

Cụ thể, giá đất nền tại thị xã Thuận An hiện là 18-24 triệu đồng/m2 trong khi giá cùng kỳ năm trước chỉ 13-14 triệu đồng/m2. So với năm 2015, giá khu vực này đã tăng 3 lần sau 3 năm.

Bình Dương có hơn 1,5 triệu dân và số người nhập cư là vài trăm ngàn người nhưng địa bàn lại có đến vài triệu nền đất. Dù không có dự án mới nhưng nguồn hàng từ dự án cũ vẫn còn nhiều.

Hàng tồn nhiều, sản phẩm thứ cấp cũng lớn nên khó có chuyện cháy hàng. Nguồn cung đất nền quá nhiều và giao thông liên vùng chưa đồng bộ nên việc sốt đất, sốt giá tại Bình Dương hiện không có cơ sở.

Nhà đầu tư BĐS Ngô Đình Phụng

Tại thị xã Dĩ An, nếu đầu năm 2017, giá đất ở mức 14-15 triệu đồng/m2 thì đến đầu tháng 10 này, giá đã tăng vọt lên 25-30 triệu đồng/m2 dù sức mua chững lại so với trước đó. Trong khi đó, tại TP. Thủ Dầu Một, chỉ trong một năm qua, giá cũng tăng từ 14-15 triệu đồng/m2 lên 20-22 triệu đồng/m2.

Giá đất nền tại Khu đô thị Mỹ Phước 3 (thị xã Bến Cát) cũng tăng nhẹ, trung bình 6-10 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích, hạ tầng cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên, do hạ tầng xã hội, tiện ích còn thiếu thốn nên có rất ít người về đây sinh sống.

Theo khảo sát, thị xã Bến Cát và thành phố mới Bình Dương (thuộc địa bàn TP. Thủ Dầu Một) là hai khu vực khó ra hàng đất nền nhất. Nhiều sản phẩm ký thác bán lại đây cả năm mới có vài người mua dù chủ đất đưa ra giá cao hơn 10-15% so với giá gốc. Đa phần các giao dịch tại khu vực này không có mục đích để ở mà là để kinh doanh kiếm lời. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn tung tin để tạo nên cơn sốt giá ảo, phục vụ cho nhu cầu đầu tư của khách.

Các khu đô thị bỏ hoang

Dự án Eco Lakes nằm tại Khu đô thị Mỹ Phước 3 được xây năm 2007 trên diện tích 226ha. Đơn vị đầu tư và phát triển dự án là Công ty CP Setia Becamex - liên doanh giữa 3 tập đoàn Treasure Link (5%), Becamex IDC (45%) và SP Setia Berhad (55%). Hàng loạt dãy nhà 4 tầng đã được xây dựng tại đây nhưng không có người ở. Cảnh tương tự cũng diễn ra tại Khu đô thị Mỹ Phước 2 do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC xây năm 2005.

Thành phố mới Bình Dương
Thành phố mới Bình Dương vẫn rất vắng vẻ sau 5 năm đi vào hoạt động

Vậy vì sao các khu đô thị lại trở nên đìu hiu như vậy dù từng được coi là chiến lược phát triển, thu hút đầu tư về bất động sản và nhu cầu nhà ở của người dân Bình Dương? Hiệp hội Bất động sản Bình Dương cho rằng, trước đây, các chủ đầu tư muốn đón đầu làn sóng đầu tư, thu hút người dân bỏ vốn vào mua nhà gần các khu công nghiệp để buôn bán nên đã xây nhiều nhà mẫu, nhà liền kề trong Khu đô thị Mỹ Phước 2 và 3. Nhưng vì giá bán cao nên người thu nhập thấp không đủ khả năng mua còn những người có tiền sẽ chọn mua đất để xây ki ốt, dãy trọ rồi cho thuê lại.

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, so với thu nhập và điều kiện kinh tế - xã hội của Bình Dương, giá nhà đất tại đây còn quá cao. Điển hình trong thành phố mới Bình Dương, giá một căn nhà liền kề 100m2 là 3-5 tỷ, biệt thự là hơn 10 tỷ đồng. Với số tiền này, người dân có thể mua một căn nhà nằm trong hẻm rộng ở khu trung tâm Sài Gòn. Vì vậy, mức giá này chỉ phù hợp với Việt kiều, các chuyên gia nước ngoài... Nhưng đa phần những người này lại thuê nhà ở Tp.HCM. Trong khi, người Bình Dương chủ yếu là lao động nhập cư, không thể mua nổi với mức giá đó.

Người mua thực như lạc vào mê hồn trận

Thị trường nhà đất Bình Dương gần đây giảm nhiệt là do việc quy hoạch phát triển thành phố mới Bình Dương (trung tâm hành chính của tỉnh) không được như kỳ vọng. Điều này đã khiến sức mua đất đai tại khu vực bị ảnh hưởng. Sau khi đi vào hoạt động được 5 năm, với các dãy nhà vuông vức, đường sá rộng rãi, thành phố mới Bình Dương với vốn đầu tư gần 10 tỷ USD hiện vắng bóng người ở.

Các hoạt động mua bán, khám chữa bệnh, học hành, giải trí... đều tập trung ở TP. Thủ Dầu Một. Các môi giới cho hay, các sản phẩm bất động sản trong thành phố mới Bình Dương hầu hết đã được bán nhưng có rất ít người ở thực mà chủ yếu là giới đầu tư. Hoạt động mua bán, giao dịch bất động sản thời gian gần đây tại các thị xã Tân Uyên, Thuận An, TP. Thủ Dầu Một… cũng trở nên im ắng.

Ngoài ra, thị trường bất động sản Bình Dương cũng tiềm ẩn một số rủi ro, thậm chí có thể xảy ra "bong bóng" do giới "cò đất" liên tục thổi giá nhằm trục lợi. Khi thị trường đất nền sôi động, nhiều "cò đất" đã lập các trung tâm môi giới để giao dịch nhà đất. Những người muốn mua đất thực sự như lạc vào mê hồn trận.

Hiện nay, tại Bình Dương, cứ trong 10 người đi săn đất thì có đến 9 người là "cò" hoặc dân đầu cơ. So với năm 2016, giới "cò đất" tại Bình Dương cũng đã tăng nhanh về số lượng với đủ thành phần từ viên chức, sinh viên, thợ xây đến lái xe... Thậm chí, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân cũng bỏ công ty để làm môi giới, đầu cơ bất động sản.

(Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu