Những cái "bẫy" trong hợp đồng mua bán bất động sản

  13/12/2019 - 10:37

Chủ đầu tư khi soạn thảo hợp đồng mua bán bất động sản thường cái cắm những điều khoản "bẫy" để đề phòng các trường hợp xấu có thể xảy ra. Do đó, người mua nhà đất cần xem kỹ mọi điều khoản khi xem hợp đồng để tránh xảy ra những tranh chấp về sau.

Đối với mỗi giao dịch bất động sản thì hợp đồng mua bán chính là căn cứ để xác định giá trị pháp lý cho giao dịch. Hợp đồng mua bán bất động sản là văn bản ghi lại những điều khoản thỏa thuận giữa hai bên mua - bán. Một trong những điều khoản quan trọng nhất trong hợp đồng mua bán nhà đất chính là bên bán phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên mua, còn bên mua phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho bên bán.

Hợp đồng mua bán bất động sản
Hợp đồng mua bán bất động sản thường có những nội dung "bẫy" mà người mua cần phải hết sức lưu ý.

Giá trị của một bất động sản thường rất lớn, do đó khi soạn hợp đồng mua bán, chủ đầu tư thường đưa ra những điều khoản có lợi cho mình mà người mua không thực sự cẩn thận, tinh ý sẽ rất dễ bị gài bẫy, có thể phải chịu những thiệt hại lớn khi có tranh chấp xảy ra.

Dưới đây là một số điều khoản bẫy thường gặp trong các hợp đồng mua bán bất động sản mà bên mua cần quan tâm:

- Trong thời gian 60 ngày tính từ thời điểm nhận đủ tiền bàn giao, bên A phải bàn giao tài sản cho bên B, nếu không sẽ phải thanh toán khoản lãi cho bên B tính theo lãi suất ngân hàng mà bên A chọn. Còn trường hợp bên B nếu chậm thanh toán từ 15 ngày trở lên sẽ phải chịu phạt lãi suất 0,1%/ngày trên khoản tiền chậm thanh toán.

Tưởng chừng nội dung này không có gì bất ổn vì cả hai bên mua bán đều phải đền bù nếu không thực hiện đúng cam kết như đã nêu. Song, tính toán kỹ thì bên mua sẽ phải chịu thiệt hơn vì với con số đền bù 0,1%/ngày thì cả năm sẽ là 36%, trong khi bên bán chỉ phải chịu mức lãi suất cao nhất cũng chỉ ở mức 1,0%/năm.

- Bên A sẽ không thanh toán bất kỳ khoản trả nào cho Bên B cho đến khi chuyển nhượng được nhà đất đó và nhận đủ tiền thanh toán từ bên thứ ba khác đối với tài sản.

Với nội dung này thì bên mua sẽ không thể lấy lại được ngay khoản tiền đã đóng cho bên bán trong trường hợp thanh thanh lý hợp đồng mua bán, mà phải đợi đến khi bất động sản đó được bán thành công cho bên thứ ba khác và họ thanh toán đủ tiền.

Tuy nhiên, người mua không thể xác định được thời gian mà bên A có thể bán lại và nhận đủ số tiền từ bên thứ ba. Thậm chí, bên A sẽ không rao bán tài sản đó mà để sử dụng đầu tư hoặc thế chấp ngân hàng thì không biết đến bao giờ người mua mới có thể nhận lại khoản tiền mà mình đã đóng.

- Trong hợp đồng mua bán có điều khoản bên mua không được tiết lộ hợp đồng mua bán bất động sản với bên thứ 3. Và hợp đồng mua bán sẽ không có giá trị nếu chủ đầu tư phát hiện đã bị lộ.

Như vậy, dù vô tình hay cố tình làm lộ hợp đồng mua bán bất động sản thì bạn đều có nguy cơ mất trắng tài sản của mình.

- Bên mua cần phải thông qua chủ đầu tư trong trường hợp muốn mua bán, trao đổi hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng bất động sản, không được tự ý thực hiện các mục này.

Đây thực sự là nội dung rất vô lý bởi khi bất động sản thuộc quyền sở hữu của người mua thì họ hoàn toàn có quyền quyết định tài sản của mình. Và nếu không để ý đến điều khoản này, bạn sẽ vô tình phải chịu một khoản tiền phạt trời ơi đất hỡi do vi phạm hợp đồng mua bán đã ký kết.

- Trong hợp đồng mua bán, chủ đầu tư còn đưa ra điều khoản giá trị hợp đồng mua bán bất động sản chỉ là tạm tính. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bên mua có thể sẽ phải trả mức giá cao hơn rất nhiều so với giá trị được nêu trong hợp đồng ban đầu mà không thể làm được gì vì đã lỡ đặt bút ký hợp đồng.

(Theo thoibaokinhdoanh)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu