Sẽ dừng quyết định cưỡng chế đất khi đang khiếu nại?

  05/09/2015 - 10:36

Việc cưỡng chế đất có 2 hình thức như sau: Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc.

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp.HCM, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên cho hay, không ít người dân cứ nghĩ mình đã khiếu nại quyết định thu hồi đất hay giá bồi thường đất thì chính quyền không được thu hồi đất của họ, tuy nhiên điều này không đúng.

Hai hình thức cưỡng chế có sự khác nhau

Khi thu hồi đất có trường hợp chính quyền cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất song có trường hợp chỉ cưỡng chế 1 trong 2. Vậy xin hỏi Luật sư, Luật Đất đai 2013 quy định ra sao về việc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc?

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên: Quy định này có thể hiểu đơn giản là: Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện sau khi UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ bồi thường tái định cư, trong khi đó cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc được thực hiện sau khi UBND cấp có thẩm quyền ban hành thông báo thu hồi đất. Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, nếu người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường và giải phóng mặt bằng (GPMB) trong việc điều tra, khảo sát, kiểm đếm, đo đạc thì UBMTTQ Việt Nam cấp xã và UBND cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường GPMB, thực hiện vận động và thuyết phục để người sử dụng đất làm theo.

thu hồi đất
Dự án đường Tân Sơn Nhất, Bình Lợi, Vành đai ngoài bị thu hồi đất thi công.
(Ảnh: HTD)

Và trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động và thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường GPMB thì chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Theo đó, trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc thuộc về người có đất thu hồi. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Thưa bà, vậy còn cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất thì sao?

Theo quy định, người có đất thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án hỗ trợ bồi thường tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được công bố công khai. Trong trường hợp người có đất thu hồi đã được thuyết phục, vận động song không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường GPMB thì chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 Luật Đất đai 2013.

Đối với trình tự thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập ban thực hiện cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế đất. Cụ thể như sau: Ban thực hiện cưỡng chế sẽ đối thoại, thuyết phục người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Và kể từ ngày lập biên bản, công tác bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày. Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Cùng đó, ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế cũng như tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế đó.

Nghĩa vụ thực hiện quyết định thu hồi đất

Thưa bà, nếu như vậy thì người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện các quyết định liên quan đến việc thu hồi đất, tuy nhiên cùng với đó vẫn phải chấp hành việc giao đất cho chính quyền?

Đúng như vậy. Điều 204 Luật Đất đai 2013 quy định, người sử dụng đất và người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hành chính hay hành vi hành chính về quản lý đất đai.

Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 6 Điều 17 Nghị định 43/2014 của Chính phủ, người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Vậy nhưng, khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất lẫn quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; cùng đó sẽ hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra nếu có.

Còn đối với trường hợp thu hồi đất có liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật khác có liên quan thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất và cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định mà không phải chờ cho đến khi giải quyết xong quyền cùng nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trân trọng cảm ơn luật sư!

(Theo Pháp luật Tp.HCM)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu