Trong một thời gian ngắn từ 2010 đến nay chị đã xây dựng tại Huế bốn
công trình từ thiện, nổi bật là Cát Tường Quân với kiến trúc độc đáo và
thanh tịnh đang trở thành điểm đến của nhiều du khách mỗi khi dừng chân ở
Huế.
Theo chị, quan niệm về không gian sống của phương Tây và phương
Đông có gì khác biệt? Con người ngày nay đang tìm kiếm một không gian
sống như thế nào cho riêng mình và gia đình?
Trước đây khi chưa có điều kiện ra nước ngoài, tôi quan niệm rằng,
không gian sống của người phương Đông là bên trong ngôi nhà, không gian
sống của người phương Tây là bên ngoài ngôi nhà.
Bây giờ tôi hiểu, không gian sống bắt nguồn từ văn hoá dân tộc, văn hoá
bản thân và khí hậu. Thực tế cho thấy cùng một kiến trúc sư người Pháp,
nhưng ngôi nhà Pháp xây dựng ở Đà Lạt khác với nhà Pháp tại Huế và Hà
Nội; càng khác hơn nữa nếu ngôi nhà Pháp đó nằm trên đất Pháp. Ngôi nhà
không chỉ khác về kiến trúc mà còn khác về không gian sống, vì vậy dân
địa ốc hay nói “căn nhà là một nửa của tâm hồn” hoặc “nhà sao chủ vậy”.
Vị trí Tịnh cư Cát Tường Quân nằm giữa hai triền đồi thông, trên quần thể đồi Thiên An
nghĩa là điểm giáp cuối của chân đồi này và điểm bắt đầu của ngọn đồi khác.
Chị có lo sợ nhiều không, khi xu hướng sống trở về với thiên nhiên
đang bị nhấn chìm bởi những đe doạ của môi trường, của phát triển kinh
tế và nhiều áp lực khác?
Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu thơ khá phổ biến “Ta dại ta tìm nơi vắng
vẻ/Người khôn người ở chốn lao xao”. Thời gian gần đây do cuộc sống nơi
đất chật người đông nhiều áp lực, không ít người thèm được “dại”. Thế
nhưng, nơi vắng vẻ bây giờ cũng bắt đầu lao xao, vì vậy muốn “dại” cũng
không dễ.
Môi trường bị đe doạ từ nhiều nguyên nhân, và nguyên nhân của mọi
nguyên nhân là từ con người. Trong cuộc chiến giữa con người và môi
trường thì, con người luôn luôn thua!
Chị có thể kể vẻ đẹp của mỗi ngôi nhà mà chị đã sống từ thủa ấu thơ
đến giờ ở Sài Gòn, Đà Lạt... Ngôi nhà nào để lại cho chị dấu ấn sâu đậm
nhất?
Với những người hoạt động trong thị trường địa ốc, ngôi nhà nào của
mình cũng có thể là hàng hoá. Những ngôi nhà mà tôi đã ở và đang sở hữu
tôi đều có thể bán, nếu được giá. Khách hàng tôi nhắm đến để mua sản
phẩm địa ốc của mình là những người sống chủ yếu nhờ hương hoa, khí trời
vì vậy kiến trúc phải thanh thoát, nội thất phải tinh tế và không gian
sống phải được chăm chút. Riêng ngôi nhà tôi vừa xây dựng xong ở Huế sẽ
không là hàng hoá, bởi tôi quyết định sẽ sống ở đây đến cuối đời.
Tôi đặt tên cho ngôi nhà ở Huế là “Tịnh cư Cát Tường Quân” (CTQ),
“tịnh” là thanh tịnh; “cư” là nhà; CTQ là tên do một vị tăng già đặt cho
tôi.
Du khách đến đây sẽ bắt gặp lối kiến trúc nhà bậc thang của Đà Lạt, đỉnh của
ngôi nhà này là sàn của ngôi nhà khác; tại Huế kiến trúc bậc thang
là sự khác biệt của Tịnh cư Cát Tường Quân.
Vì sao đến thời điểm này của cuộc đời, chị lại chọn dừng chân ở
Huế? Với Cát Tường Quân, chị muốn tạo ra một không gian sống như thế nào
cho chính mình và cho du khách?
Trong mắt tôi, Huế như một bức tranh thuỷ mặc hữu tình. Không chỉ thế,
Huế còn có thành cổ, có hệ thống chùa dày đặc, có mật độ tăng – ni cao
nhất nước; những “cái có” này đã làm Huế huyễn hoặc, thiêng liêng.
Về thiết kế, kiến trúc, Cát Tường Quân có gì khác biệt so với những
không gian mà chị đã từng trải qua? Ý tưởng của chị đã được kiến trúc
sư thể hiện như thế nào, để có thể tạo nên một không gian tĩnh lặng vừa
rất Huế, vừa rất Tạ Thị Ngọc Thảo?
Trong tất cả ngôi nhà tôi đã ở và đang sở hữu, CTQ là khu nhà rường duy
nhất tôi có. Kiến trúc nhà rường thật lạ, mái thấp, cột nhiều, phòng
ngủ nhỏ xíu, phòng vệ sinh bé tí, muốn gắn máy lạnh phải tính toán đau
đầu, muốn ngăn chặn côn trùng vào nhà nghĩ mãi không ra. Thế mà tôi lại
say đắm nhà rường Huế từ cái nhìn đầu tiên, và đó chính là động lực giúp
tôi hoàn thiện CTQ sau hơn ba năm xây dựng.
Tịnh cư Cát Tường quân được hoàn thành sau 3 năm xây dựng.
Sự tĩnh lặng của CTQ có được nhờ quy hoạch tổng mặt bằng theo chữ khẩu,
chỉ có chùa và cung vua mới sử dụng mặt bằng chữ khẩu này. Giá trị kiến
trúc của CTQ là do chúng tôi biết giữ nguyên sự tinh tế của nhà rường
và biết loại bỏ những điểm cần thiết. Ở Huế, người ta gọi nhà rường là
nhà vườn, vì vậy không gian vườn rất được chú trọng.
Chỗ nào của ngôi nhà mà chị yêu thích nhất? Mỗi buổi sáng, chị
thường uống trà ở đâu? Đâu là nơi chốn để chị có thể tịnh tâm nhất?
Nơi tôi lẩn quẩn nhiều nhất là vườn rau sạch. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa
bao giờ có thời gian để gieo bất cứ hạt giống nào xuống đất vì vậy tôi
cũng chưa cảm nhận được hạnh phúc khi quan sát sự nảy mầm, đơm hoa, kết
trái và cho quả. Sự mãnh liệt của chồi non truyền cho tôi sức sống, nhìn
cây vươn lên trong mọi hoàn cảnh thời tiết Huế, nhất là đang mùa gió
Lào này, tôi thấy sự nỗ lực của mình chưa nhằm gì.
Có khi tôi ngồi uống trà ở vườn Thanh Trà, phóng tầm mắt ngắm trọn đồi
thông trước sân nhà. Cũng có khi tôi cầm chén trà đi lanh quanh trong
vườn, lúc ngửi bông hoa mới nở, khi lại vuốt ve một thân cây sần sùi già
cỗi, nếu mỏi chân thì ngồi xuống một trong những bộ bàn ghế bày rải
rác.
Tịnh tâm không tự cảnh, không tự người mà tự mình.
Chốn dừng chân, tìm về với Phật pháp đáng ngưỡng mộ của nữ doanh nhân
Tạ Thị Ngọc Thảo.
Từng dời đổi nhiều lần, nhưng “vật bất ly thân” của chị dường như
là bức tượng đức thiền sư Huệ Khả? Bài học nào từ vị thiền sư này mà chị
cho là quý giá nhất, và coi đó như phương châm sống của chính mình?
Tôi “cảm” thiền sư Huệ Khả (487 – 593) từ mẫu đối thoại như sau: Đức
Huệ Khả tìm đến Tổ Đạt Ma thưa: “Xin thầy an tâm cho”, ngài Đạt Ma trả
lời “Đưa tâm đây ta sẽ an” và, đức Huệ Khả ngộ. Từ đó tôi hiểu, tâm mình
tự mình an, chẳng cảnh, vật, người, Phật, Trời nào an giúp được. Sau
này đọc kinh Phật tôi còn ngộ thêm “tâm cũng chẳng có, vì nếu có thì tâm
trú vào đâu?”
Khu vườn có bức tượng đức nhị tổ Huệ Khả ở CTQ là trường học của tôi
mỗi ngày. Tại đây, một thầy, một trò và một bài học duy nhất, đó là nụ
cười hỷ xả của ngài; thế mà trò ngày thuộc, ngày không. Bức tượng đức
Huệ Khả cũng là nơi giữ chân của nhiều vị khách quý.
"Nếu ta tìm về thiên nhiên chỉ để "Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân
tắm hồ sen, hạ tắm ao" là thuận theo lẽ tự nhiên còn về nơi vắng vẻ với ý
đồ "dời sông, lấp biển", đốn cây rừng mà không trồng mới, khai thác tài
nguyên mà không có kế hoạch bù đắp lại cho thiên nhiên... thì đó là
tuyên chiến với môi trường. Trong cuộc chiến giữa con người và môi
trường thì con người luôn luôn thua!"
Chị có thể kể một chút về con trai mình, người sẽ nối nghiệp chị? Chị muốn để lại điều gì cho con?
Con trai tôi, Lê Gia Khánh sinh năm 1995, tên ở nhà là Nheo. Nheo đi du
học Canada từ năm lớp 9, năm nay Nheo vào đại học Toronto ngành kinh tế
vĩ mô. Nheo có thể nghe má và các bác (bạn của má) nói chuyện kinh tế
cả ngày không chán.
Có thể nói, khi nhắm mắt lìa đời, không có gì trên cõi đời này làm tôi
vương vấn ngoài Nheo. Tuy vậy, cho đến bây giờ tôi biết con trai của
mình đã trưởng thành và sẽ trở thành người có ích cho xã hội, dù má mất
hay còn. Điều này làm tôi thanh thản dù từ năm nay, hai má con chỉ gặp
nhau vào dịp nghỉ hè.
Tôi chỉ muốn để phúc lại cho con vì ông bà mình nói, “con trai nhờ đức mẹ”.
Chị có sợ hãi điều gì không?
Phật cũng mình mà ngạ quỷ cũng mình, tôi chỉ sợ chính tôi thôi!
Khu phòng ăn sang trọng.
Bể bơi rộng lớn trong Tịnh cư Cát Tường Quân.