Anh Nam đã trang bị cho ngôi nhà thông minh của mình một hệ thống thiết bị vô cùng hiện đại có giá tới 200 triệu đồng, gần bằng nửa chi phí xây nhà.
Anh Vũ Hoàng Nam (40 tuổi, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ những rắc rối gặp phải trong quá trình sử dụng nhà thông minh của mình:
Vào những thời điểm anh đi du lịch, có một số đèn, rèm, tivi tự động hoạt động và anh có thể trả lời khách từ xa bằng điện thoại. Thay vì mở cửa trò chuyện với hàng xóm thì anh có thể giao tiếp với họ bằng bộ đàm thoại. Điều này lặp lại nhiều lần khiến hàng xóm ít ghé qua nhà anh hơn.
Khi bố mẹ đến chơi, thay vì về nhà mở cửa, anh vẫn ngồi ở nơi làm cách nhà 2km và sử dụng chế độ mở khóa từ xa. Nhưng bố mẹ anh mới chỉ bước vào ngôi nhà thông minh được 15 phút thì tiếng réo của hệ thống báo vang lên liên hồi và xịt nước khắp nơi do nhận diện thấy người lạ. Lúc này, thay vì được ngồi nghỉ ngơi trong ngôi nhà hiện đại, bố mẹ anh lại phải đứng ngoài để chờ con mình.
Tiền điện của anh cũng tăng vọt trong suốt 2 năm qua, kể từ khi có hệ thống thông minh này. Trung bình mỗi tháng anh hết khoảng 3 triệu tiền điện, gấp đôi so với trước kia, trong khi nhà chỉ có 4 người và 2 điều hòa. Thiết bị thông minh tự động như hệ thống tưới vườn kiêm chống trộm có hôm ngốn hết của anh cả chục khối nước vì báo động giả.
|
Một trong những chức năng cơ bản của nhà thông minh là điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng bằng điện thoại. Ảnh: NVCC. |
Còn anh Nguyễn Thế Lương (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) thì cảm thấy việc cỏn con như đổ bột giặt vào máy cũng vô cùng tốn sức kể từ khi lắp đặt hệ thống nhà thông minh.
Mọi công việc trong nhà từ nấu nướng, pha cà phê cho đến giặt đồ... đều được tự động hóa bằng cách ra lệnh. Chỉ cần thực hiện một số thao tác đơn giản trên điện thoại trước khi tan làm là có ngay cơm ăn, nước nóng để tắm khi về đến nhà. Loa thông minh âm tường phát ra những bản nhạc không lời êm ái mà chủ nhân yêu thích.
Vì ở một mình nên anh Lương rất ngại nấu nướng, dọn dẹp việc nhà. Sau khi tham gia triển lãm nhà thông minh được tổ chức hồi cuối tháng 3, anh đã quyết định lắp đặt hệ thống này với khoản chi phí 80 triệu đồng.
Sau khi lắp đặt hệ thống này, anh Lương vô cùng phấn chấn dù nó tiêu mất hơn 4 tháng lương của anh. Nguyên nhân là vì "hệ thống này khiến tôi không bị cô đơn, cảm thấy giọng nói của mình đầy quyền năng khi ra lệnh cho mọi thứ trong nhà", anh Lương chia sẻ.
|
Thiết bị nhỏ bằng lòng bàn tay này có thể giúp anh Lương điều khiển được mọi vật dụng trong nhà. Ảnh: Trọng Nghĩa. |
Cũng có hôm đi làm về đến nhà, anh vào tắm luôn để giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi nhưng lại bị tụt huyết áp đến mức xuýt ngất xỉu chỉ vì bị lạnh đột ngột. Thủ phạm gây ra điều này là do kết nối internet trong nhà bị mất nên hệ thống điều khiển từ xa không hoạt động được dù đã kích hoạt máy nóng lạnh.
Giống anh Nam, từ khi có hệ thống thông minh này, anh Lương cũng giao tiếp với hàng xóm ít hơn hẳn.
Theo chia sẻ của anh Trần Hồng Thuận, CEO một công ty thiết bị thông minh ở Hà Nội, đặc điểm của ngôi nhà thông minh (smarthome) là có thiết bị điện, điện tử có khả năng tương tác với con người. Chủ nhân có thể sử dụng giọng nói hoặc thiết bị di động để điều khiển các thiết bị này.
Nhu cầu lắp nhà thông minh hiện đang khá nhiều. Trong quý 2/2019, đơn hàng của công ty anh Thuận chỉ tính riêng khu vực Hà Nội đã tăng đột ngột từ 1.000 lên thành 1.200 trong quý hai. Các bộ thiết bị có giá dao động từ 10 đến vài trăm triệu đồng.
|
Mô hình ngôi nhà thông minh cơ bản gồm có hệ thống đèn điện thông minh, bật tắt tự động, ánh sáng với các mức độ khác nhau. Ảnh: HTS. |
Cũng lắp đặt mô hình nhà thông minh, nhưng mới dùng được 2 tháng anh Trần Hữu Văn (38 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đã cảm thấy ngao ngán vì việc điều khiển các thiết bị khá rắc rối. Ví dụ như để thiết lập bật đèn thông minh, người dùng phải chọn chế độ ngày - đêm, cường độ sáng rồi thời gian bật... Các thiết bị như máy giặt, điều hòa, camera... lại có một ứng dụng riêng để điều khiển. Mỗi tuần anh phải cài lại 3-4 lần, tùy theo tâm trạng và sức khỏe.
Khi lắp đặt hệ thống này anh nghĩ rằng sẽ tiết kiệm được chi phí điện cho gia đình, song những con số này lại không thể hiện rõ rệt. Anh Văn nói thêm: "Đối với tôi, đôi khi nhà thông minh chỉ để làm màu với khách khứa, chứ chả có công dụng gì rõ ràng. Có khi cả tháng tôi không dùng đến".
Điều đáng nói là có những thiết bị chỉ hướng dẫn bằng tiếng Anh, không có tiếng Việt, khiến việc sử dụng không được thuận tiện. Các thiết bị lắp đặt trong nhà thông minh của anh Văn toàn bằng tiếng Trung Quốc nên anh phải lọ mọ học những câu lệnh cơ bản như "mở đèn bên trái" hay "bật điều hòa 20, 21 độ" để sử dụng. Nhưng rồi anh thấy việc điều khiển các thiết bị thông minh không thực sự hấp dẫn và tiện ích như mình nghĩ nên sinh ra chán nản.
Theo ông Trần Thế Lợi - Phó chủ tịch phụ trách phần cứng của một tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam, các thiết bị nhà thông minh về cơ bản sẽ tiết kiệm điện năng, thời gian cho người sử dụng, đồng thời đảm bảo vấn đề an ninh cho nhà ở.
Song, ông Lợi cho biết, những thiết bị này cũng có điểm hạn chế là giúp kẻ xấu có thể xâm nhập đời tư của chủ nhân. Vì vậy, các gia đình không nên sử dụng thiết bị liên tục cả ngày lẫn đêm.