Sau trận mưa lớn vừa qua, nhiều ngôi nhà ở Đà Nẵng đang bị ngập sâu. Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải đã chỉ ra những sai lầm phổ biến nhất khi xử lý nhà bị ngập nước.
1. Không sớm tắt hệ thống điện
Để tranh xảy ra những sự cố đáng tiếc khi nhà bị ngập nước, việc tắt hệ thống điện là rất cần thiết. Ngay khi nước dâng lên trong nhà, bạn phải nhanh chóng tắt cầu dao để không xảy ra tình trạng chập điện, cháy nổ.
Sau khi nước rút, bạn cũng cần thận trọng khi nước vào nhà vì các đường dây điện có thể bị đứt hoặc hở. Bởi vậy, bạn chỉ nên bật cầu dao điện khi đã kiểm tra kỹ và đảm bảo đã an toàn. Một lưu ý khác là bạn không nên bật lửa nếu nghi ngờ đường dẫn khí gas bị vỡ.
|
Nhà bị ngập nước cần được xử lý đúng cách. Ảnh: H.T |
2. Phơi đồ gỗ ngay khi trời nắng to
Với đồ gỗ, bạn chỉ nên lau vệ sinh bề mặt và hạn chế để nước ngấm vào bên trong. Sau đó, bạn mới làm khô, đánh lại vecni để chống ẩm và mối mọt.
Nhiều người thường có sai lầm là phơi đồ gỗ bị ngấm nước trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Cách làm này sẽ khiến đồ nhanh bị cong, vênh.
3. Tận dụng khăn cũ để lau bát đĩa
Một điều không nên làm là tận dụng những chiếc khăn ngấm nước, sau đó giặt sạch và dùng lau bát đĩa. Bởi sau khi ngập lụt, khăn rất dễ đã nhiễm khuẩn, dù giặt qua cũng chưa sạch khuẩn. Bởi vậy, những đồ dùng như bát đĩa, cốc... nên để khô tự nhiên hoặc lau sạch bằng khăn mới.
Bên cạnh đó, khi chọn các chất tẩy rửa có khả năng kháng khuẩn, bạn nên ưu tiên những loại có ít hóa chất. Thay vào đó, để đảm bảo an toàn, bạn cũng có thể chọn dùng giấm hoặc bột baking soda để vệ sinh khu bếp.
4. Giặt quần áo ở chế độ thường
Quần áo rất dễ tích trữ vi sinh vật gây hại có trong nước bẩn. Nếu không biết cách xử lý có thể dẫn đến nguy cơ mắc nhiều loại bệnh. Bạn không nên bọc quần áo bẩn vào túi ni lông kín vì sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi.
Khi giặt quần áo bị ngấm nước bẩn, bạn nên để nhiệt độ cao nhất, có thể dùng thêm nước khử trùng để diệt vi khuẩn gây hại.