Việc để đồ dùng chăm sóc cá nhân trong phòng tắm có thể giúp bạn cảm thấy tiện lợi hơn trong việc sử dụng chúng. Tuy nhiên, về lâu dài, môi trường ẩm ướt, cộng với sự chênh lệch nhiệt độ trong phòng tắm sẽ khiến các món đồ bị hư hỏng, tệ hơn là gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người dùng.
1. Điện thoại
Vật dụng đầu tiên trong danh sách "9 món đồ không nên mang vào nhà tắm" theo Batdongsan.com.vn, rất có thể là "vật bất ly thân" với nhiều người. Chưa nói đến thói quen vừa đi vệ sinh vừa dùng điện thoại không có lợi cho sức khỏe thì việc mang điện thoại mà nơi có độ ẩm cao như nhà tắm cũng không mấy an toàn. Nếu không thể bỏ thói quen nghe nhạc khi tắm, thay vì cầm điện thoại vào phòng tắm, hãy cân nhắc đến việc đầu tư vào một chiếc loa chống thấm nước.
2. Phụ kiện, đồ trang sức
Ngoại trừ những món đồ trang sức không rỉ như làm từ vàng nguyên chất, đừng bao giờ cất giữ hay đem phụ kiện, trang sức vào khu vực phòng tắm, dù chỉ cởi bỏ chúng một lát rồi đeo lại luôn. Nguyên nhân là bởi môi trường ẩm ướt đẩy nhanh tốc độ oxi hóa của các món đồ này khiến chúng sớm bị xỉn màu, mất đi độ sáng bóng ban đầu.
3. Dao cạo râu
Các lưỡi dao cạo râu cũng được làm từ hợp kim nên tương tự như các món đồ trang sức, nước nóng từ vòi hoa sen cộng với độ ẩm của phòng tắm sẽ khiến chung nhanh bị hoen gỉ, gây hại cho làn da của người sử dụng. Bất chấp việc vệ sinh cẩn thận, đúng cách và lau khô ngay sau khi sử dụng thì phòng tắm vẫn không phải là nơi tốt để bảo quản vật dụng này.
4. Bàn chải đánh răng
Việc xả nước bồn cầu nhưng quên không đậy nắp sẽ khiến vi khuẩn từ trong đó phân tán đi khắp nơi trong nhà tắm, có thể bắn xa đến 4-5m, bao gồm cả bàn chải. Hiển nhiên, bạn sẽ không muốn thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày trở thành việc tự đưa vi khuẩn gây bệnh vào trong miệng.
Lời khuyên được đưa ra trong trường hợp này đó là hãy để bàn chải đánh ở xa phòng tắm, khu vệ sinh, hoặc tốt nhất là cất bàn chải ở nơi khô ráo hoàn toàn.
5. Nước hoa
Sẽ thật lãng phí nếu chỉ vì thói quen để nước hoa trong phòng tắm mà những chai nước hoa đắt tiền bị biến đổi, mất đi mùi hương vốn có. Nơi phù hợp nhất để bảo quản những lọ nước hoa yêu thích là một ngăn tủ quần áo, bàn trang điểm bên ngoài phòng tắm.
6. Dụng cụ trang điểm
Thói quen vệ sinh dụng cụ làm đẹp chuyên dụng như cọ, bông mút trang điểm để loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn là rất tốt. Tuy nhiên, công đoạn "phơi phóng" sau vệ sinh mới là điều bạn cần lưu ý vì nếu để luôn trong nhà tắm và đợi đến lần sử dụng tiếp theo thì vô tình bạn đã tạo ra nơi trú ngụ mới cho nấm mốc, vi khuẩn. Nếu không muốn những chiếc cọ yêu thích trở thành công cụ gây hại cho da mặt, hãy tìm nơi khô ráo để phơi và bảo quản các vật dụng này.
7. Khăn tắm
Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc làn da bị mẩn ngứa, kích ứng là sử dụng chiếc khăn tắm ẩm, treo lâu ngày trong phòng tắm. Kể cả khi chiếc khăn đã được giặt sạch, phơi khô thì môi trường ẩm ướt như phòng tắm vẫn vô cùng thuận lợi để vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, nảy nở. Để không làm hại đến làn da của mình, tốt nhất hãy phơi khăn ở nơi khô thoáng và giặt thường xuyên sau 3 lần sử dụng.
8. Áo choàng tắm
Cũng tương tự như khăn tắm nhưng áo choàng tắm sẽ là một "ổ vi khuẩn" cỡ đại nếu để lâu trong môi trường có độ ẩm cao, chưa kể đến những mùi hôi không mấy dễ chịu trên vải áo. Việc tắm rửa trước đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu như bạn khoác lên mình chiếc áo choàng còn đầy hơi ẩm. Lời khuyên là hãy treo áo ở nơi khô ráo, có ánh nắng mặt trời.
9. Mỹ phẩm, kem chống nắng
Sau khi rửa mặt, sẽ thật tốt nếu làn đa được cấp ẩm ngay tức khắc. Tuy nhiên, thói quen để các sản phẩm chăm sóc da trong nhà tắm của các tín đồ làm đẹp sẽ trở thành "lợi bất cập hại" nếu không được nắp chặt, tạo điều kiện cho không khí ẩm ướt xâm nhập, kích thích vi khuẩn sinh sôi. Bên cạnh đó, hơi nước nóng trong quá trình vệ sinh, tắm rửa sẽ dễ làm biến đổi các thành phần trong mỹ phẩm, gây tác động xấu cho làn da. Nếu có điều kiện, bạn có thể đầu tư riêng một chiếc tủ lạnh mini chuyên dụng để bảo quản mỹ phẩm, hoặc chí ít cũng là các tủ bên ngoài phòng tắm.