Để giảm tiền thuế khi mua bán nhà đất, đã có nhiều trường hợp người bán đề nghị kê khai giá thấp trong hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người mua rất có thể gặp phải những rủi ro khó lường.
Theo ước tính của các chuyên gia địa ốc Sài Gòn, tỷ lệ người dân kê khai đúng giá trị thực của tài sản khi mua bán nhà đất chỉ chiếm khoảng 25%, còn tới 75% đang kê khai thấp hơn 5-10 lần so với giá trị thực tế.
Do giá bán nhà được lấy làm căn cứ để tính thuế, phí phát sinh trong giao dịch nên bên bán đã đề nghị kê khai giá bán tại hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá trị thực đã được hai bên đồng thuận. Nhưng sẽ có những xung đột phát sinh trong trường hợp này nếu một trong hai bên có sự thay đổi hay cố tình vi phạm hợp đồng sau khi đã hoàn tất thủ tục công chứng.
Những rủi ro từ vấn đề này vừa được ông Nguyễn Văn Lộc - Luật sư điều hành Công ty Luật LPVN cùng ông Lương Ngọc Đinh - Giám đốc Công ty Luật Thịnh Việt Trí và chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Phong lên tiếng cảnh báo:
Theo đó, các vị chuyên gia cho hay, đề nghị kê giá chuyển nhượng được nêu ở hợp đồng thấp hơn so với giá trị thanh toán luôn được bên bán đưa ra trong mỗi thương vụ giao dịch. Bên mua sau này cũng sẽ trở thành người bán cho đối tượng mua kế tiếp. Trong trường hợp này, vị thế của bên mua không chỉ bị yếu hơn nếu đồng ý kê khai giá thấp, mà còn khó có thể bảo vệ được quyền lợi trước pháp luật nếu có tranh chấp.
|
Nhiều rủi ro tiềm ẩn từ chiêu né thuế trong mua bán nhà đất. Ảnh: Vũ Lê |
Bởi, lúc này bên mua sẽ rất khó để minh chứng được khoản tiền thực tế đã bàn giao cho người bán nhà. Nếu có biên bản viết tay hay biên lai chuyển tiền qua ngân hàng chỉ thường sử dụng trong trường hợp giải quyết tranh chấp tại tòa hoặc làm chứng cứ phục vụ công tác điều tra. Không chỉ vậy, nếu người mua F2 muốn bán cho vị khách F3 mà người khách đó muốn giao dịch đúng giá trị thực thì F2 phải đóng khoản thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch bất động sản khá lớn.
Tình trạng người dân chỉ kê khai giá giao dịch nhà đất ở mức tượng trưng với mục đích giảm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đang diễn ra hết sức phổ biến. Từ thực tế thị trường cho thấy, giá trị kê khai tài sản để nộp thuế (được thể hiện trong hồ sơ thuế) thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch thực tế.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, nhóm luật sư này đã đưa ra giải pháp win – win (đôi bên cùng có lợi) dành cho người mua nhà đất. Cụ thể, nếu người bán đề nghị kê khai giá trị tài sản nhằm "né thuế", người mua hãy thẳng thắn từ chối và yêu cầu kê khai đúng. Trường hợp tiền thuế quá cao, hai bên hãy đưa ra thỏa thuận để chia sẻ khoản phí này sao cho hợp lý nhất.