Khi mua nhà ở, ngoài các thông tin về giá cả, vị trí, phương thức thanh toán... bạn còn phải lưu ý đến các điều kiện giao dịch nhà ở sau đây:
Tìm hiểu, kiểm tra kỹ thông tin
Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định, để có thể mua bán, cho thuê mua, thế chấp, tặng cho… nhà ở phải có đủ 4 điều kiện như sau:
Một là, có giấy chứng nhận theo quy định.
Hai là, không thuộc diện đang có khiếu nại, tranh chấp, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn.
Ba là, không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Một số lưu ý khi mua nhà đất. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Bốn là, không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo phá dỡ, giải tỏa nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
Để tránh các phát sinh ngoài ý muốn, bên cạnh những lưu ý có tính nguyên tắc nói trên, khách mua nhà ở cần tìm hiểu thêm các thông tin về quy hoạch, thông tin ngăn chặn hoặc hạn chế giao dịch…
Người mua nhà có thể đề nghị UBND phường, quận cung cấp thông tin quy hoạch của nhà đất hoặc liên hệ với tổ chức hành nghề công chứng để tìm hiểu thông tin ngăn chặn, hạn chế giao dịch.
Ngoài ra, người mua nhà cũng cần tìm hiểu một số thông tin cần thiết khác như người bán nhà có phải là chủ sở hữu nhà hay không; nếu không phải thì người đó có được chủ sở hữu ủy quyền hợp pháp hay không. Bên cạnh đó, khách mua cần tìm hiểu về diện tích nhà đất, giữa giấy tờ và thực tế có khớp nhau, trường hợp có chênh nhau thì diện tích đó đang được sử dụng như thế nào…
Nội dung hợp đồng
Tùy thuộc vào sự lựa chọn, bên mua và bên bán nhà ở (là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền) có thể đến bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Tp.HCM để công chứng hợp đồng mua bán nhà ở.
Các bên thỏa thuận hoặc yêu cầu công chứng viên soạn thảo hợp đồng mua bán nhà ở, gồm các nội dung được quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở năm 2014 như sau:
Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên; ghi rõ thời gian giao nhận nhà ở; nghĩa vụ và quyền lợi của các bên; những vấn đề cam kết của các bên cùng những thỏa thuận khác; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng.
Nội dung hợp đồng mua bán nhà cần phải mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Riêng với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sàn xây dựng căn hộ; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu.
Mặt khác, trong hợp đồng cần ghi rõ giá trị góp vốn và giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; còn nếu mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.
Nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thì hợp đồng cần ghi rõ thời hạn và phương thức thanh toán tiền.
Lưu ý, chữ ký phải ghi rõ họ, tên của các bên, trường hợp là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
Nộp thuế, phí
Sau khi hợp đồng giao dịch được công chứng, bên mua (hoặc bên bán) có thể liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, quận để làm thủ tục chuyển nhượng và nộp thuế. Cụ thể:
Về thuế thu nhập cá nhân khi bán nhà: Nếu người nộp thuế không có cơ sở xác định thu nhập tính thuế thì nộp 2% trên giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng với điều kiện giá này không thấp hơn khung giá do UBND Tp.HCM ban hành hằng năm.
Lệ phí trước bạ: Bên mua nộp 0,5% tính trên bảng giá tính lệ phí trước bạ nhà đất do UBND Tp.HCM ban hành.
Đối với việc cấp giấy chứng nhận: Bên mua có thể làm thủ tục đăng ký biến động do thay đổi tên chủ sở hữu nhà ở trên giấy chứng nhận hoặc làm thủ tục cấp mới giấy chứng nhận mang tên mình.