Sau khi có báo cáo chuyên đề về chính sách thuế đối với bất động sản của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã có một số đề xuất và dự báo về vấn đề này.
Theo HoREA, Luật thuế tài sản có thể được nghiên cứu áp dụng đối với 3 trường hợp sau đây:
Một là, chỉ đánh thuế tài sản đối với nhà đất để tạo nguồn thu ngân sách nhà nước dài hạn, ổn định và bền vững. Chẳng hạn, tại tiểu bang California, có nơi thu thuế tài sản nhà đất là 1,21%/năm, tính ra trong khoảng 82 năm sẽ thu thuế được 100% giá trị tài sản nhà đất và nguồn thu thuế này tiếp tục được duy trì ổn định.
Hai là, để phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản sẽ đánh thuế đối với người có nhiều nhà, đất (từ tài sản thứ 2 trở đi). Có thể cách này sẽ giúp tăng nguồn cung cho thị trường, người có nhu cầu được thêm cơ hội tiếp cận nhà ở.
Ba là, nếu xuất hiện nguy cơ "bong bóng" bất động sản thì cần xem xét đánh thuế cao đối với trường hợp chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi mua. Theo đó, để phòng chống đầu cơ và giúp ổn định thị trường địa ốc, có thể tính thuế ngay trong năm đầu tiên xuất hiện giao dịch kể từ khi mua.
Theo HoREA, Luật Thuế tài sản sẽ có tác động tích cực đối với thị trường địa ốc.
(Ảnh: Hao Bui)
Hiệp hội cho rằng, mục tiêu của luật thuế này là góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí bất động sản và chống đầu cơ. Một khi được áp dụng vào thực tiễn, sắc thuế này sẽ tạo nên làn sóng dịch chuyển dòng tiền thay vì đầu tư vào nhà đất sẽ chuyển sang đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhờ đó, người có nhu cầu thật sẽ có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở, đồng thời tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định, bền vững. Mặt khác, Luật thuế còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh địa ốc thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thuế tài sản được ra đời rất sớm. Hơn nữa, nguồn thu từ thuế tài sản, thu từ thuế sử dụng đất là nguồn thu chủ yếu của ngân sách địa phương lẫn nhà nước. Tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2%. Cụ thể, nguồn thu từ thuế tài sản tại Canada là 4%, ở Mỹ khoảng từ 1 - 3%. Trong khi đó, tại các nước phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% và khoảng 0,68% tại các nước đang chuyển đổi.
Theo Bộ Tài chính, đây là loại thuế trực thu có thể huy động tương đối sát với khả năng đóng góp thực tế của người chịu thuế. Bởi lẽ, thuế này đánh vào những tài sản cụ thể như đất và nhà. Thời gian gần đây, tại một số nước như Australia, Canada, Malaysia, xu thế cải cách thuế tài sản theo hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn, đồng thời mở rộng đối tượng thu thuế tài sản.
Việt Nam hiện chỉ có Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (hiệu lực từ ngày 1/1/2012) quy định các loại đất phi nông nghiệp. Theo Luật thuế này, đất ở tại đô thị là đối tượng chịu thuế. Cụ thể, đối với diện tích đất ở trong hạn mức, mức áp dụng thuế suất 0,03% trên bảng giá đất; áp dụng thuế suất 0,07% đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức và áp dụng thuế suất 0,15% đối với phần diện tích đất ở vượt trên 3 lần hạn mức.
Tuy nhiên, so với giá đất thực tế trên thị trường, giá đất tính thuế được tính theo bảng giá đất của thành phố chỉ bằng khoảng 30 - 40%. Do đó, mức thuế phải nộp rất thấp, kéo theo nguồn thu ngân sách cũng rất thấp, chỉ chiếm 0,15% tổng thu ngân sách nhà nước và 0,03% GDP.
Chẳng hạn như: Căn nhà 100m2 ở đường Đồng Khởi (quận 1, Tp.HCM) có giá 194 triệu đồng/m2 theo bảng giá đất. Trong khi đó, giá thị trường hơn 1 tỷ đồng/m2. Giá tính thuế là 194 triệu x 100m2 = 19,4 tỷ đồng. Hàng năm, người sử dụng đất phải nộp thuế ở mức 19,4 tỷ đồng x 0,03% = 5,82 triệu đồng/năm.