Bất động sản Việt Nam, chờ đợi gì từ cầu ngoại?

  29/08/2014 - 05:10

 

Nhóm khách hàng Việt kiều đang tham quan Dự án Cantavil, quận 2, TP. HCM

Mua nhà không chỉ để ở

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, Luật Nhà ở sửa đổi đã mở rộng đối tượng và điều kiện được mua nhà đối với người nước ngoài và Việt kiều. Chẳng hạn, theo Điều 55, Dự luật Nhà ở sửa đổi, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi được phép về Việt Nam thì được quyền sở hữu không hạn chế nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài (trừ hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, tổ chức phi chính phủ) được mua và sở hữu chung cư, nhà ở riêng lẻ, kể cả trong khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng…

Như vậy, nếu các điều khoản tại Dự thảo luật này được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới đây, người nước ngoài sẽ được chính danh và có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều trong việc mua bán, sở hữu nhà tại Việt Nam. Thị trường nhà đất qua đó cũng có được những cú huých cả về tâm lý và thực chất để hồi phục rõ ràng hơn.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho thấy, hiện có khoảng 140.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam, trong đó khoảng 80.000 người ở TP. HCM và hàng chục ngàn người Nhật, Philippines… Trong số này, tỷ lệ người có dự định làm việc tại Việt Nam lâu dài là không nhỏ, và có một bộ phận lớn muốn được sở hữu một căn hộ tại Việt Nam, chưa nói đến việc họ bỏ vốn vào đầu tư bất động sản như những nhà đầu tư cá nhân.

Ông Sopon PornchoKchai, Chủ tịch Cơ quan các vấn đề về bất động sản tại Thái Lan chia sẻ: “Tại Thái Lan, lúc thị trường trầm lắng, Chính phủ cho người nước ngoài mua thoải mái, nhưng lúc thị trường ổn định thì hạn chế mỗi dự án chỉ được bán 49%. Đối với người nước ngoài thì yếu tố đầu tư vẫn đặt lên hàng đầu. Vì thế, để kích thích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, Chính phủ phải cho thấy họ được gì từ việc mua bất động sản, chứ không đơn thuần là mua nhà để ở”.

Hiện nay, quy định về việc cho người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam vẫn rất chặt chẽ so với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Thái Lan, Hồng Kông hoặc Singapore.

Đơn cử, tại Hồng Kông, chính quyền hạn chế hoạt động đầu cơ bằng quy định mua căn hộ mà bán trong vòng 6 tháng bị đánh thuế 15%. Singapore lại có hàng loạt ưu đãi để khuyến khích bán nhà cho người nước ngoài khi thị trường đi xuống, nhưng vừa qua, các nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào quá mạnh, tạo nên nguy cơ bong bóng bất động sản tại đảo quốc này, nên Chính phủ Singapore đã hạn chế bằng việc đánh thuế 10% đối với hoạt động mua bán nhà đất của người nước ngoài.

Sức cầu lớn từ Việt kiều

Bên cạnh sức cầu tiềm năng từ lực lượng người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam ngày càng nhiều thì không thể không kể đến một bộ phận khác, vốn có cả nhu cầu tinh thần và tình cảm để về mua nhà trong nước, đó là các Việt kiều.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM kiến nghị: “Thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng coi Việt kiều là một bộ phận không tách rời của dân tộc, đề nghị cho Việt kiều được sở hữu nhà như người trong nước là hợp lý và góp phần hướng bà con Việt kiều gắn bó với quê hương và thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào nền kinh tế. Cứ nhìn lượng kiều hối mỗi năm cả chục tỷ USD từ các Việt kiều chuyển về nước là có thể thấy được sức cầu tiềm năng lớn của lực lượng này”.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành cũng cho rằng: “Điều kiện cho Việt kiều mua nhà phải thông thoáng hơn thì họ mới nghiên cứu để sở hữu lâu dài. Vì một bộ phận không nhỏ bà con, nhất là những người đã có tuổi vẫn muốn trở về quê hương. Người thì ở lại lâu dài, người thì làm ăn buôn bán…, tạo điều kiện cho họ thì nguồn ngoại tệ hàng năm thu hút được nhiều hơn”.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 4 triệu kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, tập trung nhiều nhất vẫn là tại nước Mỹ với khoảng 1,8 triệu người. Mỗi năm, lượng kiều hối gửi về hơn 10 tỷ USD. Số lượng Việt kiều Mỹ về Việt Nam làm ăn, sinh sống ngày càng tăng lên, đặc biệt là tại khu vực TP. HCM. Nếu cho họ sở hữu nhà như người trong nước thì cơ hội khơi thông thị trường bất động sản sẽ lớn hơn nhiều so với người nước ngoài.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về khả năng tham gia thị trường của cả người nước ngoài và Việt kiều, hầu hết các nhà đầu tư khẳng định: “Chính sách cho người nước ngoài dù có nới lỏng đến đâu thì cũng phải chờ một thời gian dài và tập trung ở phân khúc hạng sang và cao cấp, văn phòng cho thuê. Còn nếu Việt kiều được mua nhà như người trong nước thì một bộ phận không nhỏ có nhu cầu sẽ tham gia ngay thị trường”.

Điều nhiều người băn khoăn là nếu Việt kiều được mua nhà như người Việt Nam thì rất có thể họ sẽ được mua cả nhà ở xã hội. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TECCO phân tích: “Việt kiều sẽ không được mua nhà ở xã hội vì nhà ở xã hội là phân khúc ưu tiên cho người thu nhập thấp và các công chức sống trong đô thị. Việt kiều không thuộc đối tượng này. Hơn nữa, nhà ở thương mại hiện nay, nhiều dự án cũng chỉ bán với giá 12 - 13 triệu đồng/m2, được mua bán, chuyển nhượng tự do mà không ràng buộc các điều kiện như nhà ở xã hội thì không cần phải lo Việt kiều cạnh tranh. Không phải ai là Việt kiều cũng giàu có và dư dả tiền bạc để mua căn hộ cao cấp và không phải tất cả Việt kiều đều muốn sống trong đô thị lớn như Hà Nội hay TP. HCM, mà có nhiều người muốn ở vùng ven là các đô thị vệ tinh”.

 Theo Đầu tư Chứng khoán

 

(Theo )

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu