Không gian ngầm không thể khai thác tùy tiện mà phải có tiêu chuẩn,
quy hoạch đáp ứng tầm nhìn dài hạn
Phát triển mang tính cục bộ
Mục tiêu của phát triển không gian ngầm là giảm thiểu gánh nặng cho quỹ đất bề mặt cũng như xây dựng đô thị văn minh. Tuy nhiên, tại Hà Nội, "khoảng trắng không gian ngầm" vẫn còn tồn tại khá nhiều.
Theo đánh giá của các chuyên gia quy hoạch, xây dựng, thực tế cho thấy những năm qua đã có không ít công trình có KGN như hệ thống cống ngầm, cấp nước, thoát nước, đường dây cáp điện, bãi đỗ xe ngầm... Song, hầu hết đều mang tính cục bộ, chỉ khai thác với mục đích riêng chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay đô thị.
Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển cho thấy, việc khai thác KGN làm trung tâm thương mại, giao thông… sẽ giải quyết nhiều vấn đề khi hạ tầng đô thị nổi trở nên quá tải.
Như tại Nhật Bản, vốn có quỹ đất đô thị hạn hẹp nhưng nhờ vào quy hoạch phát triển KGN bài bản mà giờ đây, họ trở thành quốc gia đi đầu trong sử dụng KGN hợp lý với hệ thống tàu điện ngầm (subway), khu mua sắm ngầm (underground shopping mall), cao tốc ngầm (underground expressway), phố đi bộ ngầm (underground passage), hầm kỹ thuật chung (common conduit), bể chứa nước và sông ngầm chống ngập...
Còn tại Hà Nội, cùng với thực hiện quy hoạch cho 8 tuyến Metro đã được triển khai (trong đó có một phần tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội), thì việc xây dựng các công trình ngầm để phục vụ hoạt động của đô thị cũng được đẩy mạnh trong những năm gần đây.
Sự xuất hiện của các trung tâm thương mại ngầm quy mô lớn tại Royal City hay Time City đã mang lại “bộ mặt” mới mẻ hơn cho Hà Nội cũng như đáp ứng phần nào nhu cầu vui chơi, giải trí, dịch vụ tiện ích cho người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, về cơ bản việc khai thác KGN tại Hà Nội vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Các công trình ngầm vẫn chưa có sự kết nối với nhau giữa các dự án. Nhà đầu tư vẫn theo xu hướng “mạnh ai nấy làm”.
Và diện tích KGN dưới lòng đất gần như đang bị bỏ trống, rất lãng phí, không phát huy tác dụng, điển hình là các hầm cho người đi bộ sang đường. Mặc dù được đầu tư hàng triệu USD để giúp người dân qua đường an toàn, nhưng thực tế, hiệu quả mang lại của hệ thống này không được như kỳ vọng.
Xây dựng chính sách đồng bộ
Xây dựng hệ thống hạ tầng ngầm được coi là giải pháp chiến lược cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, xu hướng đô thị hóa theo hướng phát triển mật độ dân cư trên diện tích hiện có, tiết kiệm đất, không mở rộng diện tích đô thị là xu hướng tăng trưởng thông minh. Những đô thị phát triển theo mô hình này gọi là đô thị nén.
Theo quy hoạch, đến năm 2025 dân số ở đô thị Việt Nam tăng hai lần và diện tích đô thị tăng bốn lần, tức đến thời điểm đó toàn lãnh thổ Việt Nam mất thêm hàng trăm nghìn ha đất ruộng để phát triển đô thị.
Trong khi đó, do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã mất đi rất nhiều diện tích đất nông nghiệp, nên cần thiết phải hạn chế diện tích đô thị hóa để giữ đất nông nghiệp. Muốn vậy, các đô thị phải khai thác hiệu quả KGN để tăng diện tích sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai.
Đây cũng là giải pháp tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết được áp lực khi mật độ xây dựng cao, giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường sinh thái...
Đồng quan điểm trên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội nhận định, xây dựng KGN là loại hình quy hoạch mới liên quan đến đa ngành chịu tác động của không gian trên mặt đất và mức độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Vấn đề khai thác KGN không thể thực hiện tùy tiện mà cần có quy hoạch, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng tầm nhìn dài hạn.
Ngoài ra, do cơ chế, chính sách về phát triển hạ tầng ngầm chưa được rõ ràng nên nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thực sự quan tâm. Việc phát triển hệ thống hạ tầng ngầm đòi hỏi phải có nguồn tài chính lớn, nên cũng là rào cản trong việc đầu tư phát triển.
Do vậy, cần có những phương án có bước đi thích hợp, lựa chọn bài học kinh nghiệm của nước ngoài và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, để KGN đô thị không chỉ là hệ thống đường dây, đường ống, các tuyến đường tàu điện ngầm, bãi để xe, hầm đường ôtô, đường bộ mà còn có thể là những tổ hợp trung tâm thương mại, sinh hoạt công cộng, vui chơi giải trí, những công trình đa chức năng trong đó thậm chí hướng tới là nơi làm việc, nơi ở cho dân cư đô thị.
Các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển hệ thống hạ tầng ngầm, chính quyền các đô thị phải dành sự quan tâm nhiều hơn, xây dựng các chính sách đồng bộ trong quy hoạch, xây dựng, kết nối; có chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư.
Trong đó cần xác định rõ, một khi muốn phát triển KGN không chỉ tính tới việc ngầm ở đâu mà cần tính đến hiệu quả khi các công trình kết nối tới mức nào với nhiều tầng sử dụng, chức năng khác nhau tránh kiểu xây dựng tập trung, dồn cục dễ dẫn đến cảnh “trên tắc, dưới nghẽn”...