Cho rằng cơ chế quản lý khiến tiền bạc của nhà nước và tài nguyên đất đai bị thất thoát, nhiều người giàu lên từ đất đai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải đấu giá công khai tài sản liên quan đến đất đai của nhà nước để thu tiền.
Trong phiên họp thứ 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào sáng ngày 16/10, về vấn đề ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu từ năm 2019 trở đi phải đấu thầu công khai việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần để thực hiện mục đích kinh doanh thương mại.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phải đấu thầu công khai, gồm cả đất đai có tài sản sở hữu nhà nước trên đất hoặc đất đang cho doanh nghiệp nhà nước thuê, trừ những trường hợp nhỏ lẻ hoặc giao đất để làm dự án tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để xây các công trình, dự án, hạ tầng quan trọng.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Còn lại tất cả các trường hợp đều phải đấu giá công khai. Nếu cần thiết, để có điều kiện đấu giá thì nhà nước ứng vốn để giải quyết mặt bằng theo tiến độ đền bù, hỗ trợ cho người dân. Và sau khi đấu giá xong thì hoàn trả lại tiền tạm ứng cho ngân sách".
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu đấu giá công khai
tài sản liên quan đến đất đai của nhà nước |
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, với cách làm như hiện nay, "nhà nước thất thoát nhiều lắm trong vấn đề đất đai". Bà nói: "Bây giờ người ta giàu lên là từ cái này thôi, đại gia bất động sản là từ chỗ này thôi. Vì vậy phải đấu giá công khai cái gì liên quan đến đất đai của nhà nước để thu tiền".
Bà Ngân cũng cho hay: "Chứ bây giờ giao đất thu tiền một lần, cho thuê đất thuộc doanh nghiệp nhà nước, rồi theo kiểu thư thế này… không rõ ràng, thất thoát tiền bạc của nhà nước. Thất thoát ở đây không phải là tham nhũng, mà thất thoát là do cơ chế quản lý của chúng ta. Do đó, phải đưa vào nghị quyết kỳ họp hoặc nghị quyết ngân sách để Quốc hội giám sát".
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Chính phủ xem lại Nghị định 126/2017/NĐ-CP về quy định phải tuân thủ theo Luật Ngân sách khi chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tất cả các khoản phải thực hiện theo Luật Ngân sách từ năm 2019. Về tiền thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà chúng ta bán cổ phần, bà Ngân cho rằng quy định nộp tiền về quỹ hỗ trợ, sắp xếp, phát triển doanh nghiệp đã được nêu trong Nghị định 126.
Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến: "Nội dung này là sai so với Điều 35, 37 Luật Ngân sách Nhà nước. Do đó đề nghị nộp về ngân sách Trung ương đối với các khoản do ngân sách Trung ương đầu tư, ngân sách địa phương đối với các khoản do ngân sách địa phương đầu tư tại các tổ chức kinh tế". Đồng thời, bà cũng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ghi vào nghị quyết phiên họp hoặc nghị quyết ngân sách để cho Chính phủ sửa.