Đà Nẵng: Giao đất cho doanh nghiệp không có dự án

  08/12/2017 - 04:38

Do quá trình cấp đất cho doanh nghiệp không có dự án kèm theo đã khiến hàng trăm ha đất ở các Khu, Cụm công nghiệp TP. Đà Nẵng đã giao cho doanh nghiệp nhưng chưa đưa vào triển khai.

Ngày 7/12, trong phiên họp thứ 3, kỳ họp thứ 6, HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề đất trong khu vực quy hoạch Khu, Cụm Công nghiệp đã giao cho doanh nghiệp những lại chậm triển khai do công tác giải phóng mặt bằng.

Trong giai đoạn trước đây để đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp, TP. Đà Nẵng đã chủ trương thực hiện nhiều cơ chế ưu đãi. Một trong những cơ chế ưu đãi đó là giao đất, nhưng do thời gian đầu quá trình này được diễn ra một cách tràn lan không đúng quy định, nên không thể tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định.

Quy hoạch
Vì không có dự án nên nhiều khu đất tại các khu, cụm công nghiệp Đà Nẵng bị bỏ hoang 

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, trước đây TP. Đà Nẵng giao đất cho các đơn vị thực chất là dự án nhưng lại giao đất trực tiếp, đấu giá đất, nghĩa là doanh nghiệp được mua một khu đất và thành phố bán khu đất đó chứ không có dự án đi kèm theo. Không có dự án thì sẽ không có giấy chứng nhận đầu tư và không có những ràng buộc về mặt pháp lý.

Theo đó, từ đầu năm 2017 UBND TP. Đà Nẵng đã phân công nhiệm vụ cho 2 Sở phụ trách. Khu vực nào có dự án thì Sở KH&ĐT phải lo và khu vực nào không có dự án thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi.

Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Áp dụng luật đất đai năm 2013, thành phố thu hồi là phục hồi hết lại những cơ sở pháp lý đó, trong đó có việc khôi phục lại dự án, lập lại giấy chứng nhận đầu tư, căn cứ giấy chứng nhận đầu tư làm nghề gì, ngành gì, vốn bao nhiêu, thời điểm nào khởi công, thời điểm nào hoàn thành thì mới có cớ để thu hồi. Bây giờ ở Đà Nẵng tràn lan như thế, chỉ được một số doanh nghiệp có dự án đã được Sở KH&ĐT cấp phép”.

Theo đánh giá, trong những năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của TP. Đà Nẵng. Vì vậy, thành phố chưa thu hút được nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng các Khu, Cụm CN nên đã phải tự bỏ ngân sách để đầu tư hạ tầng một số Khu CN.

Ông Thơ chia sẻ: “Lần đầu tiên trong cả nước TP. Đà Nẵng xây dựng KCN Hòa Khánh mà phải bỏ tiền ngân sách ra thực hiện toàn bộ. Tuy nhiên nếu TP không hỗ trợ thì khó có thể hình thành được các KCN”.

Ngoài ra, công tác đền bù giải tỏa gặp nhiều vướng mắc dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai đầu tư vào các KCN. Với các khu vực hình thành dự án KCN, khu dân cư mà phải đền bù giải tỏa, khi đi vào khảo sát thì một giá đến lúc triển khai thực hiện đền bù giá đội lên gấp 3 – 4 lần, nên công tác đền bù thực hiện không hiệu quả vì chi phí đền bù quá cao, dẫn đến việc kêu gọi nhà đầu tư nhưng không được doanh nghiệp quan tâm.

Trước đây, các ban của Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng trực tiếp xử lý việc đền bù giải phóng mặt bằng. Đến nay, công tác này đã được phân cấp trực tiếp xuống cho Chủ tịch UBND các quận, huyện xử lý. Công tác giải phóng mặt bằng tiến hành chậm là do quá trình phố hợp phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền quận huyện chưa đạt hiệu quả, dẫn đến việc thực hiện yếu hơn so với trước đây.

(Theo Kinh tế và Đô thị Online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu