Đầu tư 86 nghìn tỷ xây hạ tầng giao thông Tây Nam Bộ

  11/12/2015 - 09:05

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị về hạ tầng giao thông với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh, TP trong vùng Tây Nam Bộ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, bằng những nghị quyết của Trung ương Đảng và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong 5 năm qua, nguồn lực dành cho phát triển hạ tầng ở Tây Nam Bộ đã nhiều gấp 2,7 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Đáng chú ý là, mức tăng này còn cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước.

Ông Vũ Văn Ninh cho rằng: “Đây là giai đoạn ngành giao thông vận tải đã huy động mạnh nhất cho kết cấu hạ tầng của vùng”.

Cụ thể, tổng kinh phí Trung ương đầu tư cho các công trình giao thông đã hoàn thành trên địa bàn Tây Nam Bộ giai đoạn 2010 - 2015 đạt 58778 tỷ đồng, đó là chưa kể các dự án đang triển khai dở dang.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải cũng có nhiều hình thức thu hút vốn đầu tư từ xã hội vào phát triển hạ tầng giao thông. Theo đó, 5 dự án sử dụng vốn ODA có tổng mức đầu tư là 39375 tỷ đồng, chẳng hạn như dự án đường hành lang ven biển phía Nam đã cơ bản hoàn thành kết nối từ Rạch Giá đến Cà Mau, xây dựng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống,... Hiện đang có 7 dự án đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư 22762 tỷ đồng.

hạ tầng giao thông Nam Bộ
Chi 86 nghìn tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông vùng Tây Nam Bộ.

Thực tế cho thấy, sự phát triển nhanh của kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa, hành khách trong vùng nhanh chóng, thông suốt.

Từ năm 2010 đến hết tháng 6 năm nay, tổng khối lượng vận tải toàn vùng đạt khoảng 4,6 tỷ lượt khách (tức tăng 4,4%/năm) và đạt 468,25 triệu tấn hàng hóa (đã tăng 4,9%/năm). Từ đó góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cũng như cả nước nói chung.

Không chỉ là giao thông phối hợp với các địa phương trong vùng mà còn thực hiện phát triển tất cả các loại hình vận tải gồm đường bộ, hàng hải, thủy nội địa, giao thông nông thôn và hàng không. Đường bộ được tập trung đầu tư và hoàn thành 34 dự án có tổng mức đầu tư vào khoảng 52471 tỷ đồng với 1036 km đường cùng 60,2 km cầu được xây dựng, mở rộng, nâng cấp.

Được biết, đây là các công trình quan trọng cấp bách phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho vùng Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung như cầu Cần Thơ, Cổ Chiên, Hàm Luông,… cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, các đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, hay đường Nam Sông Hậu…

Những công trình trên đã phá thế ngăn sông cách trở, giúp người dân đi lại từ các tỉnh về Tp.HCM không phải sử dụng đò như trước đây. Đồng thời, việc hoàn thành xây dựng 2 cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc đã tạo thuận lợi cho giao thông vận tải giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và thế giới.

Lãnh đạo các tỉnh, TP tham gia Hội nghị này đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải trong việc bố trí, thu hút vốn đầu tư thực hiện các dự án phát triển hạ tầng trong vùng. Cùng đó, kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư mạnh hơn vì hạ tầng giao thông của vùng còn rất nhiều khó khăn trong khi tiềm năng phát triển còn rất lớn.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, trong 5 năm tới, bên cạnh việc hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang, Tây Nam Bộ sẽ huy động khoảng 86319 tỷ đồng để triển khai mới các dự án, chủ yếu tập trung đầu tư cho đường bộ với số vốn 65 nghìn tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, 5 năm qua, sự phát triển của hạ tầng giao thông vùng Tây Nam Bộ đã tạo điều kiện kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với TP.HCM với cả nước và quốc tế, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và nâng cao đời sống của người dân.

Ông Ninh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát lại quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của vùng 'ở tầm cao hơn, xa rộng hơn theo hướng từng bước hiện đại hóa hạ tầng của vùng”. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng phải tính tới xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối Tp.HCM với vùng Tây Nam Bộ để giảm tải cho đường bộ.

Ngành giao thông vận tải cũng phải nghiên cứu và thích ứng với kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng để bảo đảm tính bền vững của công trình, góp phần giảm thiểu tác động của tự nhiên tới đời sống của người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu: “Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục hoàn thành các dự án đang thực hiện dở dang để dự án sớm đi vào sử dụng, có hiệu quả cao, nhất là các trục chính mang tính kết nối vùng”.

Song song với việc phát triển đường bộ, ông Ninh cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương trong vùng tiếp tục phát triển giao thông đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải, đặc biệt là đường giao thông nông thôn; hiệu quả trọng tải và an toàn giao thông trong vùng cần được kiểm tra, kiểm soát.

(Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu