Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

  18/11/2016 - 10:15

Ngày 17/11 vừa qua, Hội nghị thẩm định đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra tại trụ sở Bộ Xây dựng.

Chủ trì Hội nghị là Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn.Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương, TP Hải Dương cùng các Sở, ngành liên quan và đại diện một số Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng.

TP Hải Dương là tỉnh lị của tỉnh Hải Dương, tọa lạc ở trung tâm của vùng, sở hữu vị trí chiến lực trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Hai hành lang kinh tế quan trọng là hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gần với hành lang kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ. Đồng thời, Hải Dương cũng có nhiều thuận lợi về mặt giao thông trong trao đổi thương mại với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng nhiều tỉnh lân cận.

Được biết, Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 405/2006/QĐ-UBND ngày 23/01/2006. Đến nay, TP Hải Dương đã có nhiều thay đổi như địa giới hành chính được mở rộng vào năm 2008, những tiền đề phát triển đô thị được nghiên cứu đã thay đổi nhiều.

Đơn vị tư vấn cho biết, trong nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hải Dương được định hướng là đô thị sống khỏe, văn hóa, năng động; trở thành trọng điểm của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và Vùng Thủ đô; đóng vai trò trọng điểm trong hành lang kinh tế vùng Bắc bộ; trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và dịch vụ của tỉnh Hải Dương; là trọng điểm quan trọng của miền Bắc theo việc xây dựng ga đường sắt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

điều chỉnh quy hoạch tổng thể TP Hải Dương
Bản đồ quy hoạch tổng thể quy hoạch TP Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến
 năm 2050.

Dự báo kinh tế của TP Hải Dương đến năm 2030 tăng trưởng khoảng 10,7%; quy mô dân số vào khoảng 496.000 người. Xét về cấu trúc đô thị, sẽ mở rộng trung tâm đô thị sang bên kia sông Sặt; xung quanh bố trí 5 cụm chức năng phát huy động lực của địa phương; đường Vành đai 1 đóng vai trò là tuyến đường trục kết nối các cụm chức năng với nhau; bố trí đất cây xanh, đất nông nghiệp ở khoảng không gian giữa đô thị trung tâm và các cụm đô thị.

Đại diện một số Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng đã đưa ra các ý kiến, yêu cầu sau: Đơn vị tư vấn và địa phương cần bổ sung thêm các hồ sơ pháp lý còn thiếu; bổ sung tên đường, địa danh vào bản đồ quy hoạch tổng thể; tính toán lại số liệu dự kiến diện tích đất cũng như diện tích đất cây xanh theo đầu người đến năm 2030; cập nhật thêm quy hoạch thoát lũ theo Quyết định của Chính phủ đối với hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Các nhà chuyên môn cũng góp ý thêm về vị trí đặt nhà máy cung cấp nước và khu xử lý nước thải riêng tại các khu công nghiệp... cùng một số ý kiến khác.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nhấn mạnh rằng, với dạng đô thị kết nối giữa đô thị cảng Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội thì Hải Dương nằm ở lưng chừng, vì thế tư vấn và địa phương cần tìm hiểu thêm xem các nước phát triển có điều kiện tương tự họ phát triển theo hướng nào nhằm tận dụng được lợi thế về vị trí ấy.

TP Hải Dương có nhiều tiềm năng phát triển bất động sản, do đó một số khu vực đất nên dành cho phát triển bất động sản và phải tăng giá trị quỹ đất. Ông Toàn đánh giá cao tiềm năng từ một số dự án đã và sẽ đầu tư tại đây như dự án của Eco Park, dự án của Nam Cường... Với đô thị hiện có, cần tăng cường chỉnh trang đô thị, tăng cường quỹ đất xanh; với đồ án điều chỉnh nên mở thêm các tuyến đường kết nối với đô thị tương lai.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng lưu ý, TP Hải Dương cần định hình rõ hơn nét đặc trưng trong quy hoạch mới, có thể dành thêm quỹ đất cho các dự án nhà ở, bất động sản... Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đề nghị đơn vị tư vấn chỉnh sửa đồ án theo các ý kiến góp ý, Sở Xây dựng rà soát lại toàn bộ câu chữ. Bộ Xây dựng sẽ sớm có văn bản phản hồi gửi về để tỉnh có thể duyệt đồ án sớm.

(Theo Báo Xây dựng Online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu