. Kiến nghị tiền sử dụng đất của DN được tính như cá nhân vượt hạn mức đất ở..
“Trong ba phương án xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức kinh tế nhận
chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, TP.HCM thống
nhất với phương án 2” - UBND TP nêu ý kiến trong văn bản gửi Bộ Tài
chính để góp ý dự thảo nghị định về thu tiền sử dụng đất do bộ này trình
Chính phủ.
Đơn giản, minh bạch với DN
Theo phương án này, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp (DN) được đề xuất
như sau: Trường hợp DN nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện
dự án và phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tiền sử
dụng đất được tính bằng giá đất quy định tại bảng giá đất do UBND TP ban
hành nhân với hệ số điều chỉnh (cũng do TP quy định - PV) tại thời điểm
được cho phép chuyển mục đích. Số tiền mà DN đã trả khi nhận chuyển
nhượng sẽ được trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp. Khoản tiền này được
xác định bằng cách lấy giá đất (tại bảng giá đất) trước khi chuyển mục
đích nhân với hệ số điều chỉnh tại thời điểm được Nhà nước cho phép
chuyển mục đích sử dụng. Riêng với đất do Nhà nước trực tiếp quản lý thì
phải xác định giá đất theo quy định.
Nếu thực hiện theo phương án này, tiền sử dụng đất của DN được áp dụng
như cách xác định tiền sử dụng đất trong trường hợp vượt hạn mức đất ở
của hộ gia đình, cá nhân đang được thực hiện. “Phương án này đơn giản
hóa thủ tục, công khai minh bạch và nhà đầu tư biết trước nghĩa vụ tài
chính phải nộp để xác định hiệu quả đầu tư” - TP phân tích.
Với phương án kiến nghị mới, DN biết trước nghĩa vụ tài chính
phải nộp để xác định hiệu quả đầu tư.Trong ảnh: Thi công một dự án nhà
ở. ảnh: HTD |
Giãn thời gian nộp
TP cũng đề nghị giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất với thời hạn dài hơn
so với dự thảo nghị định. Theo dự thảo, tiền sử dụng đất được chia thành
hai lần đóng, mỗi lần 50%. Trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được thông
báo thuế, DN phải nộp lần thứ nhất và trong vòng 60 ngày tiếp theo thì
phải nộp phần còn lại.
Tuy nhiên, TP cho rằng hiện nay số tiền sử dụng đất phải nộp của DN là
rất lớn do nhiều trường hợp phải tính theo giá thị trường. Do vậy thời
hạn nộp tiền cần tăng lên gấp ba lần so với dự thảo để nhà đầu tư có
thời gian huy động vốn. Cụ thể, thời gian nộp tiền lần một là trong vòng
90 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, lần hai là từ ngày thứ 91 đến
ngày thứ 180 thì nộp hết 50% còn lại. Sau ngày này, nếu người sử dụng
đất chưa hoàn thành việc nộp tiền thì phải nộp phạt theo số tiền chậm
nộp.
Công trình ngầm: Tiền thuê không quá 20%
Về tiền thuê đất, TP cho rằng tỉ lệ phần trăm do Bộ Tài chính đưa ra
(mức 1% giá đất và được tăng không quá ba lần, giảm không quá 0,5 lần)
là “vẫn rất cao, gây khó khăn cho các địa phương và người thuê đất”. TP
đề nghị tiền thuê đất được tính theo tỉ lệ là 0,5% giá đất.
Với tiền thuê đất để xây dựng công trình ngầm, TP đề nghị “không quá 20%
đơn giá thuê đất trên bề mặt” (thay vì không quá 50% như dự thảo) và sẽ
do TP quyết định cho từng trường hợp cụ thể. Cạnh đó, TP đề nghị bổ
sung quy định những trường hợp được miễn tiền thuê đất là “dự án bãi đậu
xe, giữ xe theo quy hoạch được duyệt”. Lý do là hiện bãi đậu xe, chỗ
giữ xe còn rất thiếu, nếu không có chính sách ưu đãi sẽ rất khó kêu gọi
đầu tư. Trước đây TP đã có hai văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép TP
được thí điểm miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho loại hình này
nhưng chưa được chấp thuận.
Riêng về hộ gia đình, cá nhân, TP.HCM đề nghị được cộng dồn các thửa
đất để tính tiền sử dụng đất trong và ngoài hạn mức đất ở. Trong khi đó,
dự thảo nghị định đề xuất hộ gia đình, cá nhân chỉ được chọn một thửa
để nộp tiền sử dụng đất cho trường hợp trong hạn mức đất ở. Các thửa còn
lại đều phải nộp theo giá thị trường, tức đều xem như vượt hạn mức đất ở
(dù cộng gộp các thửa có thể vẫn chưa bằng hạn mức đất ở).
Theo Pháp Luật TP