Doanh nghiệp "dìm giá" đất vàng rồi thâu tóm

  29/05/2018 - 06:35

Tại phiên họp Quốc hội mới đây, đại biểu bày tỏ lo ngại trược tình trạng doanh nghiệp "quên" tính giá trị quyền sử dụng đất, hoặc chủ ý lờ đi để trục lợi khi cổ phần hóa.

Sáng 28/5, trong phiên thảo luận về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nêu thực trạng doanh nghiệp định giá đất thấp hơn thực tế để trục lợi khi cổ phần hóa. 

Ông Minh cho rằng, khi định giá doanh nghiệp, nhiều địa phương đã không tính đến giá trị quyền sử dụng đất hoặc không tính đến giá trị sử dụng đất sau khi điều chỉnh quy hoạch, thay đổi mục đích sử dụng đất. "Nhiều cá nhân, tổ chức đã dễ dàng thâu tóm doanh nghiệp sau cổ phần hóa với giá rẻ, với động cơ chủ yếu là được hưởng lợi lớn từ đất vàng của doanh nghiệp", ông Minh nói. 

Ngoài ra, cách định giá trị doanh nghiệp hiện vẫn còn nhiều thiếu sót. “Nhiều nơi xảy ra biểu hiện trục lợi khi định giá doanh nghiệp thấp hơn giá trị thật. Để khi doanh nghiệp lên sàn, giá cổ phiếu tăng cao hơn rất nhiều lần. Kiểm toán Nhà nước từng kiến nghị điều chỉnh giá trị của các doanh nghiệp sau khi định giá thêm 22.300 tỷ đồng”, đại biểu Quảng Ninh nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nêu ý kiến trước Quốc hội. Ảnh: QH

Còn đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) bày tỏ sự quan tâm về việc sử dụng đất vàng một cách lãng phí của doanh nghiệp Nhà nước. Theo bà, hiện nhiều địa phương sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê, hoặc để đất công bị lấn chiếm gây lãng phí.

Đại biểu đến từ Hà Nội là ông Hoàng Văn Cường, cho rằng nguyên nhân khiến tài sản nhà nước bị thất thoát nhiều chủ yếu do đất đai khi chuyển đất công thành tư đã không thông qua đấu thầu, thay vào đó là chỉ định giá trực tiếp. Một nguyên nhân nữa là việc xác định giá đất khi cổ phần hoá không được thực hiện đúng quy định theo Luật Đất đai mà chủ yếu sử dụng bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định.

Theo ông Cường, hiện đất đai đang là vấn đề "nóng" khi "95% khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai". Đặc biệt, các vụ khiếu kiện kéo dài, đông người, những điểm nóng về an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ... đều chủ yếu liên quan đến đất đai. 

"Nguyên nhân cơ bản là chính sách đất đai đang áp dụng đi ngược lại nguyên tắc quản lý đất trong cơ chế thị trường. Có thể nói, chúng ta không thành công, chưa nói là thất bại trong quản lý kinh tế với đất đai nên để xảy ra tình trạng hỗn loạn như trên", ông Cường nhận định. 

Phía doanh nghiệp, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Công ty CP Tasco (đại biểu Nam Định) giơ biển tranh luận và nói không đồng tình với ý kiến trên. Ông Dũng cho rằng, việc định giá doanh nghiệp không thể "chính xác đúng - sai, chỉ có thể tương đối và sát với thị trường". Theo ông, ngay cả các đơn vị tư vấn nước ngoài cũng gặp khó khăn khi đưa ra dữ liệu sát thực thị trường nhất.

"Định giá doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào giá trị đất, mà giá trị đất là câu chuyện vị trí – vị trí và vị trí. Vì thế, việc định giá giá trị doanh nghiệp chỉ được xem là giá tham khảo, giá sàn khi tổ chức đấu giá cổ phần doanh nghiệp", ông Dũng tranh luận. 

Đại biểu Nam Định cho rằng mấu chốt vấn đề nằm ở việc làm rõ xem việc định giá trị doanh nghiệp chưa đúng thị trường có khiến Nhà nước mất vốn hay không, còn nếu định giá chưa sát thị trường nhưng không mất vốn Nhà nước thì "chấp nhận được".

Cũng theo ông Dũng, then chốt là đã thiếu sự giám sát trong tổ chức đấu giá doanh nghiệp. Do đó, ông Dũng đề nghị, cần hoàn thiện quy trình đấu giá cổ phần doanh nghiệp khi đưa lên sàn, như vậy mới giảm được thất thoát. 

(Theo Vnexpress.net)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu