Những dự án không thực hiện đền bù giải tỏa đúng như kế hoạch sẽ bị TP. Đà Nẵng loại bỏ để thay thế bằng những dự án khác khả thi hơn.
Mới đây, văn bản số 5213 về việc triển khai ý kiến kết luận của Thường trực Thành ủy liên quan đến vấn đề quy hoạch, đầu tư các dự án trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã được UBND TP ban hành.
Cụ thể, giao Sở Xây dựng nhiệm vụ chủ trì phối hợp cùng Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND các quận huyện và các đơn vị liên quan triển khai công tác hợp thửa các lô đất tái định cư thành các lô đất lớn một cách hiệu quả, đồng thời công khai quỹ đất kêu gọi đầu tư. Trong tháng 8 này phải có kết quả báo cáo để UBND thành phố xem xét, quyết định.
|
Những công trình cao tầng nằm dọc hai bên bờ sông Hàn, TP. Đà Nẵng. Ảnh minh họa |
Giao các quận huyện, đơn vị liên quan nhiệm vụ nhanh chóng nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp chỉnh trang, tái thiết các khu đô thị, khu dân cư cũ, xuống cấp không đảm bảo tính an toàn cũng như mỹ quan về các hạng mục giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Cùng với đó, lên kế hoạch khảo sát, lộ trình cải tạo, di dời đối với các khu chung cư, nhà tập thể xuống cấp trên địa bàn một cách chi tiết, đặc biệt là với khu vực trung tâm đi cùng phương án, lộ trình đầu tư xây dựng các khu chung cư mới để thực hiện tái định cư theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến quy hoạch, không làm gia tăng quy mô dân số, hướng đến mô hình đô thị nén, kiểu mẫu. Đầu tháng 9/2019 phải có kết quả báo cáo lên UBND TP, lấy đó làm cơ sở trình Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy.
Đồng thời, thực hiện công tác rà soát đối với quy hoạch phát triển không gian đô thị của quận Sơn Trà, ngay trong tháng 8 này phải có kết quả báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định.
Về phía UBND các quận huyện, cần tập trung công tác chỉ đạo đẩy mạnh đối với vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng; thực hiện kiểm tra đánh giá về trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cũng như Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng trong phân cấp, phân quyền đền bù giải tỏa thường xuyên.
Cần có sự chủ động trong việc đưa ra các ý kiến đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc phương án điều chỉnh, loại bỏ các công trình dự án triển khai đền bù giải phóng mặt bằng chậm tiến độ để bổ sung các dự án thay thế khả thi khác; đặc biệt là những công trình có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân như ô nhiễm môi trường, cung cấp nước sạch, hạ tầng giao thông.
Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng tại Hội nghị chuyên đề công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đưa ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. Đó là việc chậm phê duyệt phương án điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định mới của Luật đầu tư công đối với các dự án dở dang cũng như nguồn vốn phục vụ cho công tác đền bù giải tỏa đối với các dự án mới trong năm 2019.
Ngoài ra, việc quỹ đất dành cho tái định cư được phân bổ không đều (nơi thừa, nơi thiếu), một số dự án không có quỹ đất nằm gần khu vực giải tỏa nên phải bố trí ở những vị trí khác khiến người dân không chấp nhận nên phương án điều chỉnh bổ sung phải thực hiện liên tục.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã nhấn mạnh, cần phải có tư duy linh hoạt trong cách thức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, có thể tính toán và quy ra giá trị bằng tiền để mở ra nhiều sự lựa chọn cho người dân. Thêm vào đó, ông Nghĩa cũng cho rằng, cách làm như hiện nay sẽ dễ dẫn đến tình trạng bất hợp lý, thiếu công bằng trong công tác bồi thường, tạo sự bất mãn trong nhân dân vùng dự án.