Hà Nội vẫn còn tới 200 nhà siêu mỏng, siêu méo. Nguồn: baolaodongthudo.com.vn |
Dự thảo vênh thực tế
Ngay sau khi đọc dự thảo của Bộ Xây dựng nhiều người dân và chuyên gia
xây dựng không khỏi thắc mắc: Vì sao dạng nhà siêu mỏng lại được kiến
nghị cho tồn tại? Nếu dạng nhà này xuất hiện ở các khu đô thị cũng không
hợp lý bởi không có chủ đầu tư nào tự “vẽ” ra được những mảnh
đất 25-30m2, mà quy hoạch khu dân cư đã có quy định tối thiểu cho
chiều ngang là 5m và chiều sâu là 16m, tức ít nhất là 80m2.
Còn nếu áp dụng nó cho các thửa đất đang giải phóng mặt bằng có lẽ hợp
lý hơn. Vì nó giúp cho những người làm công tác giải tỏa, đền bù và chủ
đất vì đỡ phải đau đầu kêu gọi hợp khối hay lo chậm tiến độ, còn hậu quả
về bài toán quản lý đô thị chắc chắn sẽ rất lớn.
Hà Nội và nhiều thành phố khác trong cả nước từng có quá nhiều bài học
về dạng nhà này. Khu vực Ngã Tư Sở một thời nổi tiếng với thửa đất rộng
10cm mặt đường được chủ giao bán với giá trên trời, còn quận Thanh Xuân,
Đống Đa… nhà tầng mỏng dẹt chỉ chực đổ xuống. Mỹ quan đô thị đương
nhiên rất nhếch nhác nhưng quan trọng hơn vẫn là hiểm nguy đe dọa tính
mạng của người sống trong những căn nhà này và người qua đường.
TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà
Nội cho rằng, nếu cho phép xây dựng nhà trên lô đất diện tích
25m2 sẽ không đồng nhất với các quy định khác mà còn giảm các
yêu cầu về thẩm mỹ kiến trúc không gian, hình thành nhà siêu
mỏng, làm xấu cảnh quan kiến trúc đô thị mà chính quyền đang
nỗ lực khắc phục.
Anh Nguyễn Mạnh Hà, kỹ sư xây dựng phân tích, trong quy hoạch một khu đô
thị dân cư nào đó bao giờ cũng có những phần đất dư ra, đương nhiên
chúng sẽ rất nhỏ so với những tòa nhà rộng từ 80 đến trên 100m2. Phải
chăng dự thảo của Bộ Xây dựng đang hướng tới những ô đất thừa này để
giúp chủ đầu tư tận dụng đất, đồng thời giúp người thu nhập hạn chế có
điều kiện mua nhà? Nếu làm như vậy thì rõ ràng quy hoạch đô thị và mỹ
quan sẽ bị băm nát và vây hãm bởi những ngồi nhà nhỏ xen kẽ. Khu đô thị
sẽ rất bức bối và đương nhiên cảnh quan, sự thoáng đãng (vốn rất hiếm)
không còn nữa, diện mạo đô thị sẽ nhỏ bé, manh mún.
Hà Nội vẫn quyết tâm xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo
Nếu dự thảo này thành hiện thực và được áp dụng cho các thành phố lớn,
trong đó có Hà Nội thì rõ ràng bao quyết tâm xử lý nhà siêu mỏng, siêu
méo bị đổ xuống biển. Chắc chắn sẽ có sự tị nạnh giữa người từng bị thu
hồi đất siêu mỏng trước đây với những người có đất siêu mỏng, méo sau
này nhưng thoát án xử lý.
Đây cũng gần như là thông điệp chấp nhận sống chung với sai phạm của Bộ
Xây dựng. Cuộc chiến xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đang được Hà Nội tiến
hành không hề đơn giản. Chỉ tính từ năm 2012 đến năm 2013, Sở Xây dựng
đã phải 4 lần có tờ trình gửi thành phố xin lùi tiến độ xử lý.
Cuối năm 2012, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho
biết, Thành phố còn 317 nhà siêu mỏng, siêu méo, đồng thời
khẳng định giải quyết dứt điểm các phương án hợp khối, hợp
thửa; thu hồi đất để xây dựng các công trình công cộng theo
phương án được duyệt. Thời gian hoàn thành cơ bản việc xử lý
nhà siêu mỏng, siêu méo trong quý I/2013. Nhưng rút cuộc mới
chỉ có 44/252 trường hợp bị xử lý hoặc được giải quyết.
Mới đây, trong chuyến thị sát cùng Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị xuống
quận Đống Đa, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, trên địa bàn thành
phố hiện nay còn gần 200 nhà siêu mỏng, siêu méo. Còn ông Nguyễn
Song Hào, Chủ tịch UBND quận Đống Đa thống kê, hiện quận Đống Đa
có 58 trường hợp siêu mỏng, siêu méo trên tuyến đường vành đai I
(đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu), trong đó 20 hộ đã hợp thửa, 7
hộ đã thu hồi xong, 2 hộ thành phố đã đồng ý cho tồn tại (đã
cấp phép), 3 trường hợp vướng mắc
Sau khi đi thực địa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho
rằng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo
ngoài việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa quận Đống
Đa còn có trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc do chỉ ngồi
văn phòng làm quy hoạch trên giấy. Quan điểm của Hà Nội là vẫn kiên
quyết xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo.
Bí thư Thành ủy yêu cầu các sở ngành và UBND quận Đống Đa
trước mắt tập trung xử lý tình trạng này trên đường vành đai I
cùng với đó là việc chỉnh trang lại đường, hè phố, trồng
cây, biển hiệu quảng cáo: “Từ hôm nay tôi lấy đường vành đại 1
để đánh giá chất lượng lãnh đạo của Bí thư, Chủ tịch quận
Đống Đa. Xem lãnh đạo quận xử lý được đến đâu thì ghi nhận
đến đó. Chỗ nào còn siêu mỏng, siêu méo, chỗ nào thò ra, thụt
vào thì phải chịu trách nhiệm”, Bí thư Thành ủy nói.
Theo Báo Lao động Thủ đô