Vào ngày 18/5 vừa qua, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM đã có buổi làm việc với các sở, ngành cùng 24 huyện, quận về dự thảo văn bản thay thế Quyết định 33/2014 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn thành phố.
Báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM cho biết, Quyết định 33 sau 3 năm đi vào thực hiện đã góp phần giúp quản lý nhà nước về đất đai chặt chẽ hơn. Song, một số vướng mắc, bất cập đã phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, các địa phương hiểu, vận dụng quyết định này theo nhiều cách khác nhau, do đó cần phải làm rõ và thống nhất.
Hiện các sở ngành, quận, huyện còn nhiều ý kiến xung quanh việc đất quy hoạch
là dân cư xây dựng mới có được tách thửa hay không. (Ảnh: Việt Hoa)
Việc tách thửa đối với đất ở nằm trong quy hoạch là đất dân cư xây dựng mới và đất ở từ 2.000m2 trở lên phải lập dự án là vấn đề đáng chú ý tại dự thảo này. Nội dung dự thảo nêu rõ, đất quy hoạch là dân cư xây dựng mới sẽ không được tách thửa, điều kiện để được tách thửa là đất ở phải nằm trong quy hoạch khu dân gắn liền với đuôi “hiện hữu” như khu dân cư hiện hữu chỉnh trang hay dân cư hiện hữu chỉnh trang kết hợp xây dựng mới.
Đồng thời, theo quy định tại dự thảo, đối với đất ở trên 2.000m2 phải lập dự án. Hiện các sở ngành, huyện, quận còn nhiều ý kiến và băn khoăn đối với quy định này.
Bên cạnh đó, theo đề nghị của các huyện, quận, Sở Tài nguyên - Môi trường TP cần làm rõ các nội dung liên quan đến quy định tách thửa đối với thửa đất có nhà và không có nhà cũng như bổ sung quy định về thừa kế, tặng cho khi giải quyết tách thửa đối với các trường hợp cha mẹ cho con…
Lãnh đạo Tp.HCM cho rằng, việc tách thửa nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân và đảm bảo quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai tốt hơn. Mục đích của quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa cùng các điều kiện liên quan đến hạ tầng nhằm tránh những trường hợp biến tướng, lợi dụng quyết định này để phân lô tách thửa tràn lan.
Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau đối với dự thảo của Sở Tài nguyên - Môi trường đưa ra nên cần phải tiếp tục nghiên cứu để đi đến phương án thống nhất, ông Lê Văn Khoa cho hay. Trong thời gian 10 ngày, Sở Tài nguyên - Môi trường ghi nhận những góp ý của các huyện, quận, sở ngành để thống nhất dự thảo trình Tp.HCM xem xét, quyết định, lãnh đạo TP yêu cầu.