Duyệt quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

  13/04/2017 - 07:47

Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt.

Theo quy hoạch được duyệt, công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang có quy mô diện tích tự nhiên khoảng 232.606 ha.

Hiện trạng quy mô dân số khoảng 283 nghìn người (năm 2014), đến năm 2020 dự báo dân số khoảng 320-325 nghìn người, năm 2030 khoảng 370 - 375 nghìn người.

Quy mô khách du lịch hiện trạng khoảng 0,6 triệu lượt khách (năm 2014), đến năm 2020 dự báo đạt khoảng 0,7 - 0,8 triệu lượt khách/năm, năm 2030 khoảng 1 - 1,1 triệu lượt khách/năm.

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn
cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
(Ảnh minh họa)

Diện tích vùng bảo tồn di sản địa chất khoảng 35.840 ha

Phân vùng phát triển không gian, định hướng và quản lý phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với các vùng sau: Vùng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; vùng bảo tồn di sản địa chất; vùng phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên; vùng phát triển đô thị và các khu trung tâm du lịch; vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh; vùng nguyên liệu nông, lâm sản gắn với chế biến công nghệ cao; vùng phát triển dược liệu chất lượng cao; vùng phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn.

Cụ thể, diện tích vùng bảo tồn di sản địa chất khoảng 35.840 ha, bố trí khoanh định 139 Di sản địa chất hiện hữu (cấp quốc gia, quốc tế và địa phương) phân bổ tại các huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh và Mèo Vạc thành 30 cụm di sản.

Tổng diện tích vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh 2.564 ha, bao gồm khu vực bảo vệ cảnh quan Mã Pì Lèng; khu vực xã Cán Tỷ (Quản Bạ), Thài Phìn Tủng (Đồng Văn); khu vực bảo vệ cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú.

Ở các khu vực này, hạn chế xây dựng mới, tôn tạo các công trình lịch sử, văn hóa hiện hữu. Cải tạo, nâng cấp hạ tầng các điểm dân cư nông thôn gắn với các hoạt động sản xuất, homestay, phát triển du lịch sinh thái, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan môi trường tự nhiên.

Phát triển các đô thị - trung tâm du lịch

Cũng theo quy hoạch nói trên, về định hướng phát triển đô thị, phát triển các đô thị đóng vai trò trung tâm du lịch. Bảo đảm sự kết nối, chia sẻ giữa các khu vực nội vùng và giữa vùng với khu vực bên ngoài. Đồng thời, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, xã hội, dịch vụ đô thị, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không gian công cộng cho người dân và khách du lịch.

Cùng với đó, tập trung phát triển các khu chức năng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, thương mại dịch vụ. Bảo tồn các giá trị di sản đặc trưng tại các đô thị. Cải tạo, nâng cấp chất lượng hạ tầng, dịch vụ tại các làng truyền thống trong đô thị phục vụ du lịch cộng đồng. Đảm bảo mọi hoạt động xây dựng không ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan thiên nhiên, môi trường tại các đô thị.

Nội dung quy hoạch nêu rõ, hệ thống các đô thị gồm: Thị trấn Đồng Văn, thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn); thị trấn Mèo Vạc, thị trấn Xín Cái (Mèo Vạc); thị trấn Quyết Tiến, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ); đô thị (loại IV) Yên Minh, thị trấn Mậu Duệ (huyện Yên Minh). Quy hoạch đảm bảo định hướng phát triển về tính chất, quy mô, chức năng theo yêu cầu phát triển.

Ngoài ra, quy hoạch chung xây dựng 4 đô thị - trung tâm du lịch gồm có: Thị trấn Đồng Văn - Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử; đô thị Yên Minh - Trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh; thị trấn Mèo Vạc - Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu và thị trấn Tam Sơn - Trung tâm du lịch, vui chơi giải trí.

(Theo Báo Xây dựng Online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu