Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai và TP.HCM khẩn trương chỉ đạo, giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành trước ngày 1/6/2019.
|
Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc
Bến Lức - Long Thành trước ngày 1/6/2019. |
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Đồng Nai và TP.HCM trước ngày 1/6 tới phải tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn đọng và hoàn thành giải phóng mặt bằng cao tốc Bến Lức - Long Thành để bàn giao cho đơn vị thi công, tránh ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
Được biết, tổng chiều dài toàn tuyến cao tốc nói trên là 57,1km, đi qua địa giới hành chính các tỉnh Đồng Nai, Long An và TP.HCM. Đoạn đi qua TP.HCM dài khoảng 26,4km (chạy qua Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh); đoạn qua Long An khoảng 2,7km (Cần Giuộc, Bến Lức) và qua Đồng Nai dài 28km (Long Thành, Nhơn Trạch).
Theo thiết kế được duyệt, cao tốc Bến Lức - Long Thành có tiêu chuẩn hạng A, quy mô 4 làn xe cùng 2 làn dừng khẩn cấp; vận tốc 100km/h.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án là 31.320 tỷ đồng, tương đương 1.607 triệu USD. Nguồn vốn này gồm vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB là 635,7 triệu USD và 634,8 triệu USD vốn vay Chính phủ Nhật thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA.
Dự án sau khi hoàn thành được kỳ vọng trở thành đòn bẩy cho việc phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là khu Đông Nam Bộ. Cùng với đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác thế mạnh, phát triển kinh tế, du lịch, hấp dẫn đầu tư của các tỉnh Đồng Nai, Long An và TP.HCM.
Mặt khác, công trình sẽ trở thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam, thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, từ Bangkok qua Phnom Penh tới TP.HCM - Vũng Tàu. Ngoài ra, tuyến cao tốc này còn giúp kết nối mạng lưới đường quốc lộ, cao tốc với hệ thống cảng biển lớn của khu vực như Sao Mai - Bến Đình, Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành...