Hôm qua (14/4), tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội về công tác quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý xây dựng, các đại biểu bày tỏ sự lo ngại trước việc cho xây dựng ồ ạt nhiều chung cư cao tầng đồng nghĩa với việc đang “gom” dân chứ không phải giãn dân ra khỏi nội đô.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khẳng định không cho xây thêm nhà
chung cư ở nội đô lịch sử.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến, chúng ta thực hiện chủ trương giãn dân nội đô để nội đô trở thành văn minh sạch đẹp và giải quyết nhiều vấn đề về giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, trên thực tế, công việc này chưa có kết quả. Thời gian qua, rất nhiều chung cư cao tầng “mọc” lên ở nội đô Hà Nội. Điều đáng nói là, các cơ quan chức năng phê duyệt cho chủ đầu tư xây dựng căn hộ diện tích nhỏ rồi bán cho người dân đua nhau vào trong nội đô để ở. Đại biểu nêu vấn đề: “Câu hỏi đặt ra bây giờ chủ trương giãn dân sẽ được giải quyết như nào? Với việc quy hoạch như vậy thì Hà Nội đang gom dân hay giãn dân nội đô”.
Trả lời vấn đề này, theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, ông Lê Vinh, Hà Nội đang nỗ lực trong việc thực hiện giãn dân nội đô. Ông Vinh cho rằng, vấn đề giãn dân nội đô đang gặp khó khăn do thiếu nguồn lực đầu tư phát triển để hút dân ra ngoài ngoại thành, hơn nữa còn phải thực hiện theo lộ trình. Ông Vinh lấy ví dụ: “Quy hoạch vùng Thủ đô xác định dân số khu vực lõi của Hà Nội gồm 4 quận nội thành cũ là khoảng 80 vạn dân, tuy nhiên hiện nay dân số khu vực này đã lên đến 1,2 triệu. Việc ngay lập tức giãn 1,2 triệu dân xuống 80 vạn dân không phải nói là làm được ngay, phải kiên trì và có lộ trình”.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng đoàn giám sát đặt câu hỏi: “Mình đang nỗ lực giãn dân nội đô ra bên ngoài, vì sao Hà Nội lại vẫn cho xây khu chung cư ở trong khu lõi? Nó có tốn kém, bất cập gì không? Và khu Đống Đa, Ba Đình có được xây không?”. Theo lý giải của Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, việc cấp phép thêm để xây chung cư trong khu lõi nội đô lịch sử là không có. TP Hà Nội chỉ cho phép cải tạo lại 17 khu chung cư cũ, còn khu phát triển bên ngoài vành đai II, từ sông Nhuệ trở ra đã nằm trong quy hoạch phát triển được tính toán cho phép xây cao tầng.
Yếu tố dân số đóng vai trò đặc biệt then chốt dẫn đến vấn đề quá tải của Hà Nội và làm phá vỡ định hướng quy hoạch chung, ông Vinh cho biết và nhấn mạnh thêm: “Chúng ta không có cẩm nang, "cái gậy" để kiểm soát dân số Thủ đô thì không thể giải quyết được. Năm 2030 chúng ta dự kiến dân số nội đô là 7 triệu người, đến năm 2050 là 10 triệu, nhưng bây giờ dân số Thủ đô đã ngang con số dự tính của năm 2030 rồi".