Vừa qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Thủ tướng về việc giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội xuống 4%/năm thay vì từ 4,8%/năm. Mức này chỉ bằng một phần hai mức lãi suất bình quân đang được áp dụng bởi các ngân hàng thương mại.
|
Bộ Xây dựng đề xuất giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống còn 4%/năm |
Với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho rằng trong ngắn hạn nên sử dụng những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là đối với các sản phẩm đang có nhu cầu cao nhưng bị thiếu hụt nguồn cung như nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ.
Trước đó, Chính phủ cũng thông qua việc chi thêm 3.000 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trên cả nước đang vào khoảng 440.000 căn. Tuy nhiên trên thực tế, kết quả thực hiện mới chỉ đạt khoảng 33% kế hoạch đã đưa ra. Vì vậy, bên cạnh các chính sách giảm lãi suất cho người mua nhà, cũng nên chú trọng đến chính sách hấp dẫn nhằm khuyến khích việc tham gia phát triển nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng nêu ra đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình rút gọn một số nội dung thuộc Nghị định 100 về phát triển nhà ở xã hội như: hoàn trả nghĩa vụ tài chính; xác định lợi nhuận định mức; cơ chế dành quỹ đất 20%; tăng cường sự quản lý Nhà nước với hoạt động xây dựng nhà ở xã hội...
Một đề xuất khác liên quan đến chính sách tín dụng với người mua nhà và doanh nghiệp BĐS cũng được đưa ra là: khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay đến hạn đến hết năm; cho phép người vay mua nhà ở thương mại giãn tiến độ trả nợ vay, nợ gốc đến hết năm 2020.
Bộ Xây còn đưa ra đề xuất cho phép các chủ đầu tư có dự án bất động sản đang triển khai nhưng gặp khó khăn về tài chính được chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất đến hết năm 2020; miễn lệ phí trước bạ cho tất cả giao dịch bất động sản trong năm 2020; giảm 50% thuế VAT cho các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, diện tích căn hộ dưới 70m2, giá bán không cao hơn 1,5 tỷ đồng/căn.