Để giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông cũng như sự quá tải cho hạ tầng xã hội, cử tri đã kiến nghị TP. Hà Nội ngừng cấp phép xây dựng cho các dự án nhà cao tầng trong khu vực nội thành.
|
Cử tri Hà Nội kiến nghị không cấp phép xây dựng với các dự án
nhà cao tầng trong khu vực nội đô |
Theo UBND TP. Hà Nội, để kiểm soát việc xây dựng các công trình cao tầng trong nội đô, UBND thành phố đã ra quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP. Hà Nội kèm theo Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 7/4/2016. Quy chế này đã có các quy định cụ thể theo từng khu vực, đồng thời cũng đã quy trách nhiệm của các cở, ngành, UBND các quận trong quá trình triển khai.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Viết Chiến, Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đề nghị, cần rà soát quy hoạch trong khu vực nội đô, khoanh vùng, cấm xây dựng trong những khu vực cần bảo tồn như phố cũ, phố cổ, khu vực hồ Gươm, hồ Tây, thành cổ… Ngoài ra cần quy định rõ những khu vực được xây nhà cao tầng và để khống chế sự phát triển thì cần thiết phải áp dụng hệ số sử dụng đất.
Ngoài kiến nghị trên, cử tri cũng kiến nghị thành phố nghiên cứu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cho phù hợp.
Trước kiến nghị này, UBND TP. Hà Nội cho biết, về nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, kết quả thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô giai đoạn 2011-2019 đã được các đơn vị tiến hành rà soát, từ đó đề xuất các nguyên tắc, nội dung điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố và định hướng của Chính phủ.
Một kiến nghị khác của cử tri là thành phố cần có kế hoạch di dời các nhà máy sản xuất từ khu vực nội thành ra ngoại ô vì không phù hợp với định hướng phát triển đô thị. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, đối với các khu vực nội thành, sau khi di dời nhà máy sản xuất thì không nên trở thành quỹ đất cho việc xây dựng nhà cao tầng vì cần giãn dân ra các vùng lân cận thay vì tăng dân số nội đô.