Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã "chốt" lại một số điểm mới nhất của Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản để Ban soạn thảo hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay..
Chỉnh sửa cho phù hợp Luật Đất đai
Mới đây, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều vấn đề “nhạy cảm” và còn có ý kiến khác nhau đã được mổ sẻ, cho ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Cụ thể, về phạm vi kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, đa số ý kiến tán thành với quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trong các dự án bất động sản của các chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định này không phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013.
Tiếp thu ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa quy định trên theo hướng thay cụm từ “tổ chức, cá nhân nước ngoài” thành “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.
Đồng thời, cần quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản thông qua việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất của chủ đầu tư cần chuyển nhượng dự án và giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư nhận chuyển nhượng dự án bất động sản cho phù hợp với Luật Đất đai 2013.
Như vậy, có thể hiểu, cá nhân người nước ngoài không được kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, mà phải thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hoạt động.
Bán nhà hình thành trong tương lai phải có văn bản chấp thuận
của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh
Bán nhà ở hình thành trong tương lai phải xin phép
Về quy định các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, đa số ý kiến tán thành với quy định này, nhằm tạo điều kiện cho bên mua, thuê, thuê mua bất động sản chủ động tham gia với chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thiết kế, tránh tình trạng phải cải tạo, sửa chữa lại gây tốn kém, lãng phí.
Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại hình thức này rất dễ nảy sinh tranh chấp, nên đề nghị cần có các quy định chặt chẽ trong Dự thảo Luật, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai.
Trong khi đó, một số đại biểu cho rằng, quy định khi bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh cho phép là tăng thêm thủ tục hành chính và đề nghị bỏ quy định này.
Tuy nhiên, ông Giàu cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều trường hợp dự án nhà ở chưa đủ điều kiện nhưng chủ đầu tư đã bán, thu tiền của khách hàng dưới dạng góp vốn, hợp tác kinh doanh, sau đó dự án chậm tiến độ hoặc không được triển khai, gây thiệt hại cho khách hàng. Trong khi đó, Dự thảo Luật không bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn, nên quy định này là cần thiết để bảo đảm quyền lợi của người mua, thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở địa phương.
Về chứng chỉ hành nghề môi giới, có nhiều ý kiến khác nhau trong việc đơn vị cấp chứng chỉ hành nghề. Có đại biểu đề nghị phân cấp cho địa phương, có đại biểu đề nghị cần phải giao cho Bộ Xây dựng, có ý kiến lại cho rằng nên giao cho Hiệp hội Bất động sản.
Tuy nhiên, theo ông Giàu, nên giao Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Còn Bộ Xây dựng sẽ quản lý về chương trình đào tạo, giấy phép công nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản và kiểm tra, giám sát việc đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Theo Đầu tư