Chiều ngày 3/10 vừa qua, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho biết trong năm 2017 sẽ lựa chọn 211 đầu mối, đơn vị, chủ đề để tổ chức thành 228 cuộc kiểm toán.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước dự kiến tổ chức 48 cuộc kiểm toán với 69 dự án, trong đó có 14 dự án BOT, 1 dự án BOT kết hợp BT, 1 dự án BT và 13 dự án sử dụng vốn ngoài Nhà nước.
Thời gian tới sẽ tập trung kiểm toán các dự án BOT. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho hay, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều cố gắng truy ra nhiều sai phạm tại các tổng công ty, tập đoàn nhưng cũng có nhiều vấn đề làm chưa tới. Theo ông Việt: “Trên 10 đoàn thanh tra, kiểm toán vào Vinashin mà không phát hiện được gì, nhưng khi cơ quan điều tra vào lại phát hiện nhiều sai phạm. Câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước như thế nào?”, chính việc tồn tại 2 cơ chế sổ sách, 2 khoản chi tiêu, thu nhập đang làm khó lực lượng kiểm toán.
Hiện nay, đang tồn tại thực trạng lậu chi phối lương, lệ vô hiệu hóa luật. Ông Việt cho biết thêm: “Nhiều người nói, kiểm tra, kiểm toán với tham nhũng tiêu cực là hai đường thẳng song song. Kiểm toán, kiểm tra bay trên trời, tham nhũng đi dưới đất, do đó ít gặp nhau. Thi thoảng mới có gặp nhau ở một ga nào đó do dân phát hiện và báo chí nêu ra”. Năm 2017, kiểm toán cần tập trung vào vấn đề lớn gây bức xúc như cơ chế xin - cho, dự án, công trình lớn gây lãng phí, thất thoát lớn ngân sách nhà nước và các dự án BOT, ông Việt đề nghị.
Trong khi đó, bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung vào kế hoạch kiểm toán chuyên đề về quản lý nợ công để làm rõ quản lý và sử dụng vốn vay ODA, nợ công, gắn với nội dung giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cần quan tâm đến chuyên đề mà Quốc hội giám sát là các dự án BOT.
Ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ tiếp thu, bổ sung kế hoạch kiểm toán về nợ công, vốn vay ODA vào kế hoạch năm 2017.