Nhiều dự án bất động sản tại Nha Trang đã nộp hết tiền sử dụng đất

  06/09/2017 - 08:58

Theo thông tin từ Cục thuế tỉnh Khánh Hòa, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP Nha Trang đã nộp hết tiền sử dụng đất.

Cụ thể, đó là các dự án: Dự án khu liên hợp dịch vụ thương mại, khách sạn, căn hộ du lịch văn phòng cho thuê Luna của Công ty CP Nhât Minh (18 Trần Hưng Đạo, Lộc Thọ, Nha Trang); dự án tổ hợp khách sạn căn hộ Hoàn Kiếm của công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sơn Lâm (25 Phan Chu Trinh, Vạn Thạnh, Nha Trang); dự án CP Đầu tư Viễn Triều Nha Trang (Bãi Dương, Vĩnh Phước, Nha Trang); khách sạn và căn hộ Sweet Home Plaza do công ty CP Đầu tư phát triển Vân Phong (8 Hoàng Hoa Thám, Vạn Thạch, Nha Trang) làm chủ đầu tư; dự án Trung tâm thương mại và khách sạn Hoàn Cầu của công ty CP Hoàn Cầu Khánh Hòa (20 Trần Phú, Lộc Thọ, Nha Trang); dự án tổ hợp khách sạn cao cấp Mường Thanh do công ty TNHH Mường Thanh Nha Trang (60 Trần Phú) làm chủ đầu tư; dự án Panorama của công ty CP Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang (số 2 Nguyễn Thị Minh Khai, Lộc Thọ, Nha Trang); dự án khu liên hợp khách sạn căn hộ 32-34 Trần Phú, Nha Trang; dự án chung cư Vĩnh Hòa, Vĩnh Hòa, Nha Trang;…

tiền sử dụng đất
Nhiều dự án bất động sản tại Nha Trang đã nộp hết tiền sử dụng đất.

Mặt khác, trên địa bàn TP Nha Trang hiện có 7 doanh nghiệp đã được giao đất nhưng còn nợ tiền sử dụng đất với tổng số tiền trên 400 tỷ đồng. Năm doanh nghiệp trong đó được UBND tỉnh ra hạn nộp tiền làm 2 đợt, gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị nợ 6,2 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Vật tư nông nghiệp K- Homes nợ 16 tỷ đồng; Công ty TNHH Phú Hưng nợ 17 tỷ đồng; Công ty xây dựng thương mại Phước Thành nợ 2,2 tỷ đồng; Công ty CP Thành Tựu nợ 5,5 tỷ đồng.

Theo đại diện Cục thuế tỉnh Khánh Hòa, việc thu tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ tài chính khác của các doanh nghiệp địa ốc hoàn thành tốt. Đồng thời, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết những vướng mắc phát sinh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có điều kiện tập trung nguồn lực để tiếp tục giải phóng mặt bằng, sớm đưa dự án vào hoạt động.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, một số chủ đầu tư dự án bất động sản đã ứng vốn giải phóng mặt bằng, được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp nhưng chỉ được trừ sau khi việc bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn tất và hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán với các ngành liên quan. Hơn nữa, việc giải phóng mặt bằng và bồi thường kéo dài, phức tạp. Bên cạnh đó, việc xác lập hồ sơ quyết toán để được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp được kiểm toán rất chặt chẽ. Vậy nên, nhiều doanh nghiệp chậm chễ trong việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

(Theo VnMedia)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu