Nhiều môi giới bất động sản (BĐS) vẫn chưa quay lại với công việc dù sắp hết quý I/2018. Trong khi đó, một số môi giới lại nhảy việc tìm cơ hội mới. Chính điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp BĐS ồ ạt tuyển nhân sự sau Tết.
Sau Tết, doanh nghiệp ồ ạt tuyển người
Là trưởng phòng kinh doanh tại một sàn giao dịch BĐS, anh Hải cho hay, theo quy định công ty, toàn bộ nhân viên trong công ty bắt đầu đi làm trở lại vào ngày mùng 10 Tết. Nhưng đến nay nhiều môi giới vẫn chưa đi làm lại.
Anh Hải chia sẻ: “Sau Tết, môi giới đến công ty chủ yếu làm thủ tục đặt cọc cho những khách hàng đã chốt mua từ cuối năm trước, gặp mặt đầu xuân. Sau đó, hầu hết nhân viên của sàn chưa bắt tay vào công việc ngay mà mọi người còn đi các đền, chùa cầu may đầu năm mới nên anh cũng chưa vội quay trở lại với công việc môi giới”.
Sau Tết, nhiều môi giới nhảy việc tìm cơ hội mới
Ngoài ra, ở thời điểm này nhiều doanh nghiệp cũng chưa tung ra dự án mới nên môi giới chưa liên hệ với khách hàng để chào bán sản phẩm. Theo anh Hải, phải hết tháng giêng, các đồng nghiệp mới quay lại với công việc tư vấn và mời chào khách hàng mới.
Với tình trạng hụt nhân sự khiến nhiều doanh nghiệp rầm rộ tuyển môi giới ngay sau Tết. Như Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường thông báo tuyển dụng gần 100 nhân sự cho kế hoạch bán 5.000 nền đất tại Tp.HCM. Hay Công ty CP BĐS Danh khôi Á Châu (DKRA) cũng thông báo tuyển 200 nhân viên kinh doanh mới. Công ty BĐS Asian Holding phát đi thông báo tuyển hơn 300 nhân viên môi giới BĐS…
Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh Land, Thắng Lợi Group, Phú Long Real, Him Lam, Đất Xanh… cũng lên kế hoạch tuyển số lượng lớn nhân viên môi giới BĐS cho năm 2018.
Báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM cho thấy, BĐS đang là ngành có đăng ký tuyển mới nguồn lao động nhiều nhất và hút lượng lớn lao động. Song đây cũng ngành có biến động về thay đổi chỗ làm lớn nhất trong các ngành nghề kinh doanh. Vào tháng 3/2018, doanh nghiệp ngành địa ốc Tp.HCM sẽ thiếu hụt lượng lớn lao động.
Doanh nghiệp “đau đầu” giữ chân môi giới
Phó chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam, ông Ngô Quang Phúc nhận định, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp BĐS thiếu nhân lực sau mỗi dịp Tết là do chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp. Đa phần, các doanh nghiệp địa ốc đều biết giá trị của môi giới nhưng lại chưa có chế độ đãi ngộ tốt để giữ chân nhân viên. Nên sau Tết, hầu như doanh nghiệp địa ốc, xây dựng nào cũng loay hoay tuyển người.
Cùng quan điểm, chuyên gia BĐS cá nhân Phan Công Chánh cho rằng, sau Tết, rất nhiều môi giới chuyển việc sau khi nhận lương thưởng của năm cũ.
Sau tết là thời điểm nhiều môi giới nhảy việc do tâm lý của môi giới địa ốc muốn tìm một công việc, môi trường, doanh nghiệp, sản phẩm mới để thử sức.
Có nhiều lý do khiến môi giới địa ốc nhảy việc. Thứ nhất là do họ muốn tìm một doanh nghiệp có lương thưởng, chế độ đãi ngộ tốt hơn. Hai là do sản phẩm. Đây là 2 vấn đề quyết định việc giữ chân môi giới. Tuy nhiên, yếu tố sản phẩm là quan trọng nhất.
Sản phẩm của doanh nghiệp tốt sẽ có sức hút rất lớn đối với môi giới. Đây là lý do nhiều bạn môi giới cân nhắc khi thay đổi công việc, bởi nó đánh vào túi tiền, vào thu nhập của họ.
Với môi giới, thu nhập lớn nhất của họ chủ yếu là hoa hồng, nên những doanh nghiệp có sản phẩm tốt sẽ thu hút môi giới. Còn doanh nghiệp trả cho môi giới mức hoa hồng rất cao nhưng sản phẩm khách hàng khó chấp nhận, khó bán thì chưa chắc thu hút được môi giới.
Theo ông Chánh, tỷ lệ thải ra của ngành này rất nhanh, rất cao nên giữ được môi giới là vấn đề rất đau đầu của doanh nghiệp. Hiện những doanh nghiệp mạnh đang phát triển dự án như căn hộ, đất nền có lợi thế về việc thu hút môi giới. Nên với những doanh nghiệp có ngân sách truyền thông và bán hàng lớn, họ có chế độ đãi ngộ tốt để thu hút nhân tài về nhiều. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân sách chi cho việc bán hàng không nhiều, nên không thu hút môi giới bằng những doanh nghiệp triển khai dự án lớn.
Ông Chánh nhấn mạnh: “Hiện nay, cá biệt trên thị trường có một số doanh nghiệp triển khai theo kiểu trả hoa hồng cho môi giới cực cao, lên đến 70 - 80% với tổng giá trị hoa hồng trên một giao dịch nhưng không có lương cứng. Điều này đang kéo theo cuộc chiến nhân sự giữa mô hình trả lương và mô hình không lương trên thị trường môi giới”.