Vừa qua, một loạt các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước lùi thời gian áp dụng Thông tư 36 sửa đối với lý do gặp khó khăn cho vay trung và dài hạn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản (BĐS).
Theo Thông tư 36 sửa đổi thì các NHTM phải giảm trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn 40%, tức là sẽ hạn chế nguồn cung tín dụng trung và dài hạn vào thị trường BĐS.
Nhiều NHTM đề xuất lùi thời gian áp dụng Thông tư 36 sửa đổi.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đề xuất lùi thời gian áp dụng Thông tư 36 này hoàn toàn hợp lý bởi thị trường BĐS hiện đang bắt đầu khởi sắc và cần một nguồn vốn đầu tư lớn trong khi đó nếu áp dụng sớm Thông tư 36 sẽ khiến việc huy động vốn dài hạn gặp nhiều khó khăn.
Chuyên gia kinh tế, ông Vũ Đình Ánh nhận định: "Trong bối cảnh chúng ta đang muốn làm ấm thị trường BĐS thì kiến nghị lùi thời hạn sửa đổi thông tu 36 là điều hợp lý".
Cùng quan điểm trên chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực bày tỏ, không nên giảm đột ngột nguồn vốn ngắn hạn; tăng hệ số vay BĐS từ 150% lên 250% cũng là một mức tăng quá lớn. Theo ông Lực: “Sẽ phù hợp hơn nếu mức tăng tối đa khoảng 200% vì rõ ràng thị trường địa ốc không trở nên rủi ro đến mức phải tăng hệ số vay lên gấp 2,5 lần so với cho vay thông thường”.
Việc các chỉ số trong Thông tư 36 giảm theo lộ trình sẽ giúp các NHTM có thêm thời gian chuẩn bị và cân đối nguồn vốn. Thời gian này, các ngân hàng có thể cải thiện nguồn vốn dài hạn bằng cách tăng mạnh lãi suất huy động hay phát hành trái phiếu ngân hàng hoặc vay từ một số định chế tài chính khác,..., các chuyên gia cho biết.