Tình trạng khai thác đất đang diễn ra rầm rộ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nóng nhất là khu vực huyện Quảng Ninh.
Cụ thể, tại huyện Quảng Ninh, trong bán kính 10km đã có hơn 12 điểm khai thác đất, đá.
Tại các thôn Long Đại thuộc xã Hiền Ninh, thôn chợ Gộ, thôn Lệ Kỳ thuộc xã Vĩnh Ninh, thôn Xuân Dục thuộc xã Xuân Ninh, nhiều quả đồi vì hoạt động khai thác đất, đá đã bị băm nát.
Sống tại thôn Long Đại, anh Nguyễn Văn Long cho biết, việc đào đất tại lòng hồ vực Trởm đã diễn ra gần 2 năm nay. Anh Long nói: "Lưu lượng xe ra vào ngày đêm làm mất an toàn giao thông, cảnh núi đồi nham nhở, do không có ai quản lý nên việc khai thác đất đá bừa bãi".
|
Các "đầu nậu" thường xúi chủ đồi xin cấp phép cải tạo đất nhằm tận thu đất |
Hồ vực Trởm là nơi cung cấp nước cho 30.000ha lúa đông xuân. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Long Đại lợi dụng việc nạo vét mở rộng lòng hồ đã xúc đất mang đi bán. Đứng ngoài đường Hồ Chí Minh đã có thể nghe thấy tiếng máy móc múc đất hoạt động ầm ĩ.
Là người dân thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, ông Trần Văn Hải cho biết, sau khi đào lấy đất, đa phần các đơn vị khai thác không thực hiện đúng như cam kết là trả lại mặt bằng sản xuất và trồng cây xanh. Hơn nữa, việc khai thác cũng không tuân thủ đúng quy trình, để lại những hố sâu, gây mất an toàn cho người dân đi qua.
Nhu cần san lấp mặt bằng phục vụ thi công công trình tại tỉnh Quảng Bình hiện rất lớn. Các "đầu nậu" tìm mua đất của những hộ có đất vườn, đất đồi. Họ "bắt tay" nhau xin phép cơ quan chức năng cải tạo, hạ độ cao khu vực đất sản xuất rồi lấy đất để bán.
|
Khu vực hồ vực Trởm bị cày xới tan hoang |
Theo ông Nguyễn Hồng Đan, một "đầu nậu" mua đất ở huyện Quảng Ninh, giá đất san lấp bán tại mỏ là từ 25.000-30.000 đồng/khối. Loại đất tốt sẽ tính theo hệ số K với giá mỗi khối là 80.000-100.000 đồng. Do đó, một chuyến xe chở đất cỡ nhỏ có giá trung bình trên 600.000 đồng.
Ông Đan cho biết, so với việc xin cấp mỏ khai thác thì việc xin giấy phép với lý do cải tạo đất sẽ dễ dàng hơn, thủ tục ít phức tạp hơn và tiền nộp thuế cho Nhà nước cũng ít hơn.
Trưởng phòng TN&MT huyện Quảng Ninh, ông Nguyễn Viết Giai cho hay, huyện có nhiều điểm xin phép cải tạo, hạ độ cao đất đồi, đất vườn. Khi người dân gửi đơn yêu cầu, Sở TN&MT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đồng ý chủ trương cấp giấy phép cải tạo đất.
Cũng theo ông Giai, do "đầu nậu" lùng mua đất san lấp mặt bằng nên người dân ồ ạt xin phép cải tạo đất. "Nhu cầu về đất cho các công trình san lấp nhiều do đó làm phát sinh nhu cầu cải tạo mặt bằng. Các xã vùng gò đồi có nhu cầu cải tạo thì đều được cấp phép, có sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở TN&MT. Trường hợp nào người dân phát hiện sai phạm, không đúng thì sẽ có kiểm tra cụ thể", ông Giai nói.