Vừa qua, Tp.HCM yêu cầu Sở Xây dựng cung cấp danh sách dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2018-2019 và những năm tiếp theo để phổ biến công khai thực hiện cho vay thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội đến các đối tượng được thụ hưởng.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Tp.HCM được giao đề xuất Trung ương bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay nhà ở xã hội.
UBND Tp.HCM sẽ xem xét phân bổ nguồn vốn cho các quận huyện để triển khai thực hiện cho vay trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được Trung ương giao. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do Sở Xây dựng cung cấp và nhu cầu vay vốn về nhà ở xã hội của các quận huyện.
|
Tp.HCM yêu cầu Sở Xây dựng công khai minh bạch danh sách nhà ở xã hội |
Theo kế hoạch, quỹ nhà ở xã hội tại Tp.HCM sẽ phát triển thêm 40 triệu mét vuông sàn giai đoạn 2016-2020, tức là cố gắng tạo ra 8 triệu mét vuông sàn nhà ở mỗi năm. Chỉ tiêu này, Tp.HCM trước nay đều hoàn thành và hướng tới cho đến 2020 đạt được 19,5m2/người.
Theo Bộ Xây dựng, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội trong thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và ổn định thị trường bất động sản.
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, do vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 là hơn 1.262 tỷ đồng trong tổng số 9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội tại văn bản số 4177/NHCS-KHNV ngày 3/11/2016 nên việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm với nhiều khó khăn, vướng mắc.
Riêng năm 2018 ngân hàng này chỉ được giao 500 tỷ đồng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân. Theo quy định, với số vốn được giao 500 tỷ đồng thì Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ huy động thêm được 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội và chỉ cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân.
Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội thì đến nay vẫn chưa được bố trí.
Hiện tại, cũng không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016.