Hiện nay, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đang trở thành vấn đề ngày càng nóng trên thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay. Theo đại diện các doanh nghiệp, cần điều tiết theo cơ chế thị trường nhưng không thể phanh gấp bằng cách siêt chặt tín dụng ngay.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó dự kiến giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn - dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản từ 150% lên 250%.
Theo đó, vấn đề sửa đổi Thông tư 36, 'siết' chặt tín dụng đối với thị trường BĐS đã trở thành đề tài nóng tại buổi giao lưu về thị trường BĐS đầu năm 2016 do Câu Lạc Bộ BĐS Hà Nội tổ chức vào chiều ngày 26/2/2016.
Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, vấn đề đang nóng lên từng
ngày trên thị trường BĐS hiện nay. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Reenco Sồng Hồng, ông Nguyễn Thế Điệp nhận xét, thị trường BĐS bao giờ cũng có chu kỳ lên xuống, trong các năm 2014-2015 thị trường mới bắt đầu đi lên, do đó phải nhiều năm nữa thị trường mới xuất hiện 'bong bóng' địa ốc.
Ông Điệp nhấn mạnh: "Thị trường vừa phục hồi, doanh nghiệp địa ốc còn nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương. Hơn nữa, nhu cầu nhà ở của người dân và nhu cầu đầu tư chính đáng của nhà đầu tư rất lớn. Do đó, không thể 'phanh gấp' thị trường bằng cách siết chặt tín dụng BĐS lại như dự thảo sửa đổi Thông tư 36".
Vị này kiến nghị, NHNN cần nghiên cứu kỹ hơn và điều tiết thế nào cho hợp lý. Trong trường hợp muốn khống chế đầu cơ thì phải điều tiết theo cơ chế thị trường có thể là đánh thuế cao hơn những người mua nhà từ căn nhà thứ 2 trở đi....
Là người bán hàng, Chủ tịch liên minh các sàn giao dịch BĐS, ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ, đã có những ý kiến rất khẩn thiết về dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN. Ông Khánh cho rằng, thị trường mới có 'sắc xuân', sẽ là vùi dập thị trường BĐS nếu NHNN sửa đổi Thông tư 36 theo hướng trên.
Theo ông Khánh: "Năm 2015 thị trường địa ốc đã phục hồi hết sức thận trọng, trên thị trường thông tin đã rõ ràng, minh bạch hơn, khách mua nhà cũng cẩn trọng hơn. Tỷ lệ người mua vay nhà chỉ chiếm 10-15% trong số các dự án chúng tôi đang bán, không phải tất cả khách hàng đều vay. Nguồn vốn của người mua nhà chủ yếu đến từ vốn tự có và vốn từ các nguồn khác chứ không riêng gì ngân hàng".
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương thuộc Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Hữu Đức bày tỏ: "Tôi đồng ý Thông tư 36 cần có lộ trình, với ngân hàng cần đảm bảo lợi ích cho người mua nhà lần đầu, sau đó mới đến nhà đầu tư. Dễ dàng nhận thấy, ngân hàng cho vay thì phải chia đối tượng cho vay để đảm bảo quyền lợi cho những người chưa có nhà ở... Đồng thời, lợi ích của ngân hàng phải đứng sau lợi ích của Nhà nước".
Liên quan tới việc sửa đổi Thông tư 36 trở thành đề tài nóng của thị trường địa ốc, theo đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam ông Trần Ngọc Quang - Phó Tổng thư ký cũng cho hay: "Mới đây, Hiệp hội BĐS đã có kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan chưa sửa đổi điều chỉnh Thông tư 36 trong giai đoạn hiện nay. Nguyên nhân là, một khi điều chỉnh Thông tư 36 sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường BĐS Việt Nam, tác động xấu đến nhiều thị trường khác có liên quan. Do đó, cả nền kinh tế sẽ cũng sẽ chịu ảnh hưởng xấu từ động thái này".
Ông Quang nhấn mạnh: "Chúng tôi những người làm cầu nối giữa thị trường BĐS với các nhà quản lý nhà nước, danh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cũng như với người dân sẽ nỗ lực bằng mọi giải pháp và mọi cách để năm 2016, thị trường địa ốc sẽ tiếp đà phát triển đi lên, tất cả chúng ta những người đã làm về BĐS và đã đầu tư về BĐS có lãi và có lợi".