Theo đó, mức tiền phạt trong vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) có thể tăng lên gấp đôi so với quy định của Chính phủ. Trong bối cảnh vi phạm TTXD tràn lan, dư luận cho rằng “biện pháp mạnh” nói trên là rất cần thiết, nhưng chưa đủ…
Mức xử phạt TTXD có thể tới 2 tỷ đồng…
Được biết, Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định phạt gấp đôi mức quy định tại Nghị định 121 của Chính phủ đối với 29 hành vi vi phạm TTXD. Tùy từng mức độ vi phạm, sẽ có các mức xử phạt cụ thể như sau: Thi công không che chắn, để vật liệu rơi vãi phạt từ 10 - 20 triệu đồng; thi công công trình vi phạm các quy định về TTXD gây lún, nứt công trình lân cận, phạt từ 10-20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị (từ 40 - 60 triệu đồng đối với xây dựng công trình có báo cáo kinh tế - kỹ thuật); phạt tiền đối với nhà thầu tiếp tục xây dựng khi đã bị đình chỉ thi công: từ 200 - 600 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị; từ 1 - 2 tỷ đồng đối với xây dựng công trình có lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng; hành vi thi công sai thiết kế đã được phê duyệt cũng sẽ bị xử phạt từ 60 - 80 triệu đồng. Công trình chưa đủ điều kiện nhưng chủ đầu tư cố tình khởi công sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Đặc biệt, đối với một số hành vi vi phạm khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng vẫn tái phạm sẽ có mức xử phạt rất nặng, từ 1 - 2 tỷ đồng…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng, lĩnh vực xây dựng ở Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong khu vực nội đô, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan, văn minh đô thị… tác động tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả và trật tự quản lý Nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật.
Việc xử lý các hành vi vi phạm, công trình, bộ phận công trình vi phạm rất phức tạp và tốn kém. Năm 2012, có 3.028 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thi công thiết kế là 2.071 trường hợp. Năm 2013, có 1.708 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thi công thiết kế là 1.148. Riêng 10 quận nội thành, năm 2013 có 580 trường hợp vi phạm, trong đó không phép, sai phép 486 trường hợp.
Thực trạng vi phạm TTXD, diễn ra tràn lan tại Hà Nội, chưa được xử lý dứt điểm.
“Nghị quyết được thông qua với nội dung nâng mức xử phạt là một trong các biện pháp mạnh, góp phần tăng tính răn đe, qua đó, từng bước nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về TTXD trên địa bàn Thủ đô. Đây là một trong những đòi hỏi cấp thiết của công tác quản lý đô thị trong giai đoạn hiện nay” - ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng cho rằng: “Nghị quyết được ban hành xuất phát từ cơ sở pháp lý lẫn cơ sở thực tiễn. Về pháp lý, HĐND TP đã xin ý kiến và được Quốc hội thông qua trong Luật Thủ đô. Cụ thể là tại khoản 2 Điều 20 của Luật Thủ đô quy định rất rõ HĐND TP có thể căn cứ vào quy định chung và thẩm quyền của hội đồng có thể xem xét nâng mức phạt này lên không quá hai lần. Về thực tiễn, rõ ràng cùng một hành vi vi phạm về TTXD, nhưng ở Hà Nội mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Do vậy không thể áp dụng mức phạt của Thủ đô với khu vực nông thôn, làng xã khác vì Thủ đô mang tính biểu trưng, đại diện rất cao. Việc nâng mức xử phạt cao hơn mức chung cũng là để thể hiện tính trách nhiệm và gương mẫu đi đầu của Thủ đô cả nước”.
Những nguyên nhân khiến vi phạm TTXD tràn lan...
“Thực trạng” vi phạm TTXD diễn ra phổ biến trên địa bàn toàn TP. Trong đó tập trung “dày đặc” ở các quận nội thành. Không khó để nhận thấy, trên nhiều tuyến phố Lê Thanh Nghị, Xã Đàn, Hào Nam, Liễu Giai, Tân Mai, Đào Tấn, đường vành đai 3… xuất hiện “vô số” những căn nhà “siêu mỏng siêu méo” với đủ loại hình thù kỳ dị… Đặc điểm chung dễ nhận thấy ở những căn nhà đó là, diện tích nhỏ hẹp, hoặc mỏng dính nhưng được xây lên nhiều tầng với chiều cao… ngất ngưởng.
Bên cạnh đó, là các trường hợp xây trên những phần đất không đủ điều kiện xây dựng. Thế nhưng, bất chấp các quy định của pháp luật, những ngôi nhà cao tầng vẫn cứ “âm thầm” được dựng lên trên những phần diện tích ấy. Sai phạm phổ biến là trái phép, không phép, vượt quá số tầng cho phép, hoặc từ tầng 2 trở lên, lại được “đua ra” lấn chiếm “khoảng không”, nhằm tăng diện tích cho người sử dụng.
Nhiều trường hợp vi phạm TTXD không làm nhà để ở, mà mục đích chính là để kinh doanh, hoặc giữ đất, thậm chí là “án ngữ” không cho nhà hàng xóm phía sau “nhoi” ra mặt tiền. Thực tế, ở rất nhiều nơi, chỉ cần với 3m hoặc 4m là có thể kinh doanh hiệu quả, nuôi sống họ suốt đời, thậm chí… nhiều đời. Chính vì thế, mọi cấm cản của cơ quan chức năng, nhằm ngăn chặn người dân xây dựng những “công trình” – mất mỹ quan đô thị, thiếu an toàn, dường như đều… không hiệu quả.
Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó đáng kể nhất là việc cho phép người dân tự thỏa thuận hợp thửa, hợp khối, tưởng như sẽ tháo gỡ được vấn đề. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy “giải pháp” trên rất khó thực hiện, bởi lẽ nhiều trường hợp nằm trên các trục đường thuận lợi cho thương mại, dịch vụ, có giá trị chuyển nhượng cao – thỏa thuận về quyền lợi giữa các hộ dân rất khó đi đến thống nhất.
Việc quản lý xây dựng vẫn chưa thực sự quyết liệt trong xử lý. Thực trạng phổ biến đang diễn ra hiện nay: Người dân xây nhà trái phép vào thời điểm ngày lễ, ngày nghỉ, hoặc ban đêm (cơ quan chức năng không làm việc), khi phát hiện ra thì công trình đã xây được một phần, hoặc gần xong. Dẫu lập biên bản đình chỉ và yêu cầu phá dỡ, nhưng đa phần người dân không chấp hành, một thời gian sau “tạm lắng” họ lại tiếp tục hoàn thiện công trình trái phép của mình. Trong khi cơ quan chức năng lại tiếp tục “điệp khúc xử lý”… không hiệu quả, khiến người dân… nhờn luật.
Mặt khác, việc cưỡng chế rất khó khăn vì không có kinh phí và phải huy động rất nhiều lực lượng cũng như phương tiện máy móc. Dễ dẫn đến những vấn đề tiêu cực như: “ngại” va chạm, hay “nhắm mắt” lờ đi, tránh né và không kiên quyết xử lý, đã khiến các trường hợp sai phạm cứ lan dần.
Thực tế cho thấy, mặc dù TP đã chỉ đạo quyết liệt xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, các công trình vi phạm TTXD từ nhiều năm trước. Vừa qua, Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội tiếp tục được thông qua, tăng mức xử phạt lên nhiều lần như là một biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để giải quyết triệt để “thực trạng” này. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều quận, huyện vẫn “không dám” đề ra tiến độ, mục tiêu, thời hạn xử lý. Dẫu rằng, cơ quan chức năng có thể đưa ra những “lý giải” cho việc chậm trễ của mình, nhưng dư luận có quyền bày tỏ những nghi ngờ về năng lực của những cán bộ được giao trách nhiệm giải quyết “thực trạng” trên.
TS. Phạm Sỹ Liêm: “Muốn ngăn ngừa vi phạm TTXD, cần phải triệt tiêu “lợi ích mờ ám”
“Nhức đầu” nhất là vấn đề nhà siêu mỏng siêu méo hiện nay, rõ ràng người dân chẳng thiết gì chuyện xây ngôi nhà mình trở nên xấu xí như thế? Càng không phải xây lên để chống đối chính quyền... “Thực trạng” này, là khi thực hiện mỗi dự án làm đường, cơ quan quản lý chỉ quan tâm tới mỗi con đường, rồi đền bù diện tích “ăn” vào phần diện tích nhà của người dân. Diện tích “đầu thừa đuôi thẹo” không ai quan tâm mà phó mặc cho họ muốn làm gì thì làm. Việc xử lý lại không công bằng giữa các hộ dân, người bị xử lý người thì không, dẫn đến nhờn luật hoặc đưa ra “lý lẽ” nhà khác làm được tại sao lại không cho họ làm?” – TS. Phạm Sỹ Liêm nói.
Vậy việc nâng gấp đôi mức xử phạt trong hoàn cảnh hiện tại, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng chưa ổn lắm, bởi vì: Thứ nhất, giả sử nếu mỗi công trình vi phạm thay vì xử phạt 10 triệu đồng, được nâng lên thành 20 triệu đồng, thế nhưng giá trị công trình vi phạm đó mang lại có thể lớn hơn rất nhiều số tiền phạt. Chưa nói đến chuyện, lợi ích từ công trình vi phạm đó có thể kéo dài mãi mãi. Như vậy người ta sẵn sàng vi phạm mà không cần đắn đo nhiều.
Thứ hai, dư luận cũng cho rằng đằng sau việc cấp phép, xử phạt có tồn tại những lợi ích nhóm mờ ám, làm méo mó luật pháp. Thực tế công trình sai phép, siêu mỏng siêu méo vẫn đầy rẫy, không thấy cơ quan chức năng tiến hành xử phạt, hoặc xử phạt xong lại cho tiếp tục… tồn tại, dẫn đến người dân đã “nhờn luật” từ trước rồi. Do vậy, theo TS. Phạm Sỹ Liêm, để xử lý dứt điểm thực trạng vi phạm TTXD, là phải triệt tiêu những “lợi ích mờ ám” mới là vấn đề quyết định, chứ không chỉ nằm ở mức xử phạt.
|
Theo PLXH