Sáng ngày 16/12, lễ công bố Quyết định số 1737/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai đã được tổ chức tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Tổng diện tích tự nhiên của khu kinh tế mở Chu Lai là 27.040ha, gồm 16 xã, phường, thị trấn vùng Đông ven biển của huyện Núi Thành và TP. Tam Kỳ. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận thành lập khu kinh tế này theo Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 và phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng theo Quyết định số 43/2004/QĐ-TTg ngày 23/3/2004.
Những khu chức năng tại khu kinh tế mở Chu Lai gồm: Khu thương mại tự do, các khu du lịch và khu đô thị, các khu công nghiệp, hệ thống hạ tầng giao thông đầu mối… Phần lớn các khu chức năng sau 15 năm triển khai thực hiện quy hoạch hiện đã được hoàn thiện đi vào hoạt động.
|
Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai |
Đáng chú ý, 4 khu công nghiệp Tam Hiệp, Tam Anh, Tam Thăng và Bắc Chu Lai đã được xây dựng với tổng diện tích trên 3.500ha (đến nay tỷ lệ lấp đầy trên 80%). Bên cạnh đó, phát triển du lịch, thu hút 22 dự án đầu tư với số vốn đăng ký khoảng 45.000 tỷ đồng (tương đương 1,9 tỷ USD).
Việc điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế mở Chu Lai cụ thể như sau: Khu phi thuế quan có tổng diện tích 1.012ha, điều chỉnh theo hướng bố trí một khu diện tích 225ha gắn với sân bay Chu Lai; một khu diện tích 747ha gắn với khu bến cảng Tam Hòa; một khu diện tích 40ha gắn với khu bến cảng Tam Hiệp.
Các khu công nghiệp được điều chỉnh như KCN Tam Anh, diện tích 1.545ha; KCN Bắc Chu Lai, diện tích 700 ha; KCN Tam Thăng, diện tích 800ha; KCN Tam Hiệp, diện tích 530ha. Các khu bến cảng và logistic được điều chỉnh, cụ thể khu bến Tam Hiệp, diện tích 155ha; khu bến cảng Kỳ Hà, diện tích 110ha.
Các khu du lịch, dịch vụ tập trung tại xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ và xã Tam Hòa, Tam Tiến, huyện Núi Thành có tổng diện tích 850ha. Trung tâm đào tạo, nghiên cứu diện tích 105ha được bố trí tại khu đô thị Đông Tam Kỳ.
Đặc biệt là các dự án ưu tiên đầu tư, xây dựng được đầu tư bởi Trung ương, cụ thể là dự án đầu tư hạ tầng công cộng cảng biển (nạo vét luồng vào cảng, kè chắn sóng tại vịnh An Hòa) để phát triển cảng Chu Lai thành cảng loại I; dự án đầu tư Nhà máy xử lý khí và Nhà máy điện thuộc dự án khí - điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Exxon mobil (Hoa Kỳ) đầu tư; đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai; nâng cấp các tuyến quốc lộ nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, QL1A với đường 129, đường ven biển; xây dựng đường cắt, hạ cánh mới, nâng cấp nhà ga đảm bảo tiếp nhận 5 triệu hành khách/năm…