Mới đây, Ban quản trị nhà chung cư Keangnam đã có đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng đề nghị sớm có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Keangnam Vina trả khoảng 160 tỷ đồng tiền phí bảo trì tòa nhà…
Hôm qua (16/10), đại diện Ban quản trị cho biết đang hoang mang lo lắng bởi ngày 28/8/2015 khi làm việc với Công ty Keangnam Vina về việc trả lại cư dân quỹ bảo trì tương đương 2% giá bán căn hộ thì được chủ đầu tư cho biết chưa thể chuyển trả tiền như đã cam kết.
Keangnam Vina giải thích, hiện công ty mẹ là Tập đoàn Keangnam đã bị tòa án Hàn Quốc phong tỏa tài sản để quản lý và điều hành. Trong khi đó, số tiền bảo trì được thu từ trước năm 2011 không được đưa vào tài khoản tiền gửi ngân hàng mà để lẫn vào tài khoản chung của công ty và đã đưa vào hoạt động kinh doanh không tách ra quản lý như quy định, Ban quản trị cho hay.
Chủ đầu tư chưa trả lại phí bảo trì cho cư dân Keangnam như cam kết.
Cam kết trả quỹ bảo trì 20 tỷ đồng/tháng tại văn bản số 138 ngày 11/6/2015 là do Keangnam Vina tự ý đưa ra nên không có giá trị bởi chưa có sự phê duyệt của cấp trên. Phía Keangnam Vina xin 20 ngày kể từ ngày 28/8 để xin cấp trên phê duyệt kế hoạch trả quỹ bảo trì cho Ban quản trị (với thời hạn trả là ngày 18/9/2015), tuy vậy cho đến nay vẫn chưa có phản hồi chính thức.
Ngày 11/6/2015, Công ty Keangnam Vina đã có văn bản cam kết kế hoạch trả Quỹ bảo trì cho Ban quản trị chia làm 7 lần với tổng giá trị hơn 100 tỷ đồng. Theo chủ đầu tư, tính đến 27/3/2015 phí bảo trì 2% không bao gồm tiền lãi là hơn 125 tỷ đồng và trừ đi một số khoản đã chi chỉ còn hơn 123,2 tỷ đồng.
Đối với việc chậm xử lý vụ việc trên, ngày 19/6/2015, chính quyền TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND quận Nam Từ Liêm thực hiện biện pháp kiên quyết và yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị theo quy định của pháp luật đã được thống nhất tại biên bản làm việc ngày 1/6/2015; mặt khác, Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện báo cáo kết quả về UBND TP, hướng dẫn việc sử dụng, quản lý quỹ bảo trì theo quy định.
Thế nhưng, sau khi chuyển trả được 2 tỷ đồng cho lần đầu tiên thì Keangnam Vina lại tiếp tục tìm cách né tránh trách nhiệm trả tiền bảo trì.
Tại hội thảo góp ý cho Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư sáng 16/10 vừa qua, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) ông Nguyễn Mạnh Khởi cho hay: “Nhiều chủ đầu tư và cư dân các tòa nhà lo lắng về việc Ban quản trị tòa nhà sẽ tự ý chi tiêu quỹ bảo trì tòa nhà, mà số quỹ này ở một số tòa nhà rất lớn, có khi lên tới vài chục tỷ đồng. Những quy định về sử dụng quỹ bảo trì chung cư sắp tới sẽ chặt chẽ hơn”.
Về nguyên tắc thì “tiền của ai người đó quản” và số tiền này vẫn sẽ giao cho Ban quản trị nhà chung cư. Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư lần này quy định rất chặt chẽ, rõ ràng về việc chi tiêu tài chính của Ban quản trị để đảm bảo quỹ trì được sử dụng đúng mục đích. Phải đảm bảo có đủ các loại giấy tờ chứng minh theo quy định thì ngân hàng nơi Ban quản trị mở tài khoản mới cho phép rút tiền. Mặt khác, hội nghị nhà chung cư sẽ quyết định mức tiền bao nhiêu thì Ban quản trị được rút tiền mặt để chi trả và mức nào sẽ phải chuyển khoản.
Tài khoản quỹ bảo trì sẽ do Ban quản trị đứng tên với số lượng người đứng tên chủ tài khoản (1, 2 hay 3 người trong Ban quản trị.