Hôm qua (ngày 17/7), Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý các dự thảo Thông tư, Nghị định quy định chi tiết Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Vấn đề quỹ bảo trì chung cư đã được đưa ra thảo luận, bàn bạc tại hội thảo này.
Để tránh rủi ro có thể xảy ra, chủ đầu tư chung cư Ehome 2 (quận 9, Tp.HCM)
không giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư. (Ảnh: Đình Sơn)
Luật Nhà ở quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm tạm lập tài khoản để quản lý kinh phí bảo trì chung cư khi chưa thành lập được Ban quản trị (BQT). Một khi BQT được thành lập thì chủ đầu tư phải chuyển giao ngay kinh phí bảo trì cộng với lãi suất tiền gửi ngân hàng cho BQT để sử dụng, quản lý theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết, theo quy định hiện nay người dân phải đóng 2% quỹ bảo trì căn hộ trong tổng giá bán. Theo đó, một chung cư bình thường cũng thu được khoảng 10 tỷ đồng và lên cả trăm tỷ đối với chung cư cao cấp. Chủ đầu tư sẽ tạm giữ số tiền này khi chưa có BQT. Chẳng hạn như chung cư Keangnam (Hà Nội) dù hoạt động từ năm 2010 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn giữ 125 tỉ đồng quỹ bảo trì (chưa tính lãi suất ngân hàng).
Vào tháng 3/2015, chủ đầu tư là Công ty Keangnam Vina đã đề nghị trả quỹ bảo trì mỗi năm 5 tỉ đồng và trả trong vòng 25 năm. Cư dân chung cư đã phản đối quyết liệt phương án này bởi số tiền trả hằng năm nhỏ hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng. Họ đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng.
“Hiện nay nhiều chủ đầu tư phá sản, khi đó tiền bảo trì mất thì sao? Hoặc khi bàn giao cho BQT chung cư, lỡ người quản lý bán nhà và ôm đi luôn thì ai chịu?”, là vấn đề được ông Đực nêu ra trong buổi hội thảo.
Phó giám đốc Công ty TNHH xây dựng Thành Trường Lộc bà Nguyễn Thị Song Tùng cho rằng, quỹ bảo trì chung cư nếu để cho chủ đầu tư quản lý thì không tốt, cũng không ổn khi giao cho BQT. Do đó cần quy định có một ban kiểm soát gồm của cư dân và chủ đầu tư. Ban này có quyền kiểm soát độc lập hoạt động và thu chi của BQT. Bà đề xuất: “Luật nên quy định cụ thể quản lý tài khoản là đồng 2 người với 2 chữ ký. Cụ thể là của một đại diện chủ đầu, một chữ ký đại diện cho cư dân. Khi muốn chi tiêu cái gì sẽ có sự biểu quyết thông qua của BQT”.