Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Trần Ngọc Hùng cho biết, việc lập và tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm nhằm triển khai các quy định của Luật, Nghị định, Chương trình về nhà ở, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và khu công nghiệp của các tỉnh, thành là yếu tố rất quan trọng trong phát triển nhà ở.
Việc thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian qua còn chưa đồng đều, thậm chí ở nhiều nơi còn chưa được coi trọng. Do đó, kết quả còn chưa đạt như Chương trình mục đích đã đề ra. Cần có những giải pháp quyết liệt thông qua công tác kiểm tra, thanh tra trong triển khai tổ chức thực hiện, nhất là vai trò của HĐND cấp tỉnh, thành phố để thực hiện tốt việc này. Mặt khác, cần có quy chế phối hợp giữa HĐND và Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố để tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch, chương trình.
Theo ông Hùng, cần đảm bảo việc lập, duyệt quy hoạch đô thị một cách chi tiết và phải đảm bảo dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho người thu nhập thấp ở khu công nghiệp và đô thị.
Việc dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội còn buông lỏng và triển khai rất chậm.
(Ảnh minh họa).
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, với các dự án nhà ở thương mại việc dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội còn buông lỏng và triển khai rất chậm, có nhiều vi phạm cần có giải pháp xử lý nghiêm các dự án còn tồn đọng. Các dự án mới trong thời gian tới cần tập trung vào một phương án duy nhất là bắt buộc chủ đầu tư phải xây dựng nhà ở thương mại đồng thời với nhà ở xã hội (diện tích 25-45m2, nguyên vật liệu thông thường, giá rẻ…) để chủ dự án quản lý đồng bộ toàn dự án, không nên có phương án chuyển lại cho nhà nước xây dựng.
Trong khi đó, Nhà nước tập trung quản lý quy hoạch, giá thành, chất lượng... thông qua hình thức phê duyệt khu vực 20% nhà ở xã hội, đồng thời hình thức bắt buộc khi bán nhà ở thương mại đồng thời với bán nhà ở xã hội…
Ngoài ra, nguồn kinh phí đầu tư cho nhà ở xã hội cũng như nhà cho người thu nhập thấp cần được quốc hội (ngân sách Trung ương), HĐND (ngân sách địa phương) thông qua hàng năm, nên quy định tỷ lệ tối thiểu % trong ngân sách nhà nước.
Cùng đó, công tác phân cấp giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng thực hiện và cần có sự phối hợp của HĐND với Liên đoàn lao động địa phương để kiểm tra thực hiện.