Trong quý II/2017, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương bằng nhiều hình thức để kiểm tra một số quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch ở các khu đô thị mới, các khu vực hiện dư luận đang bức xúc.
Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng khẳng định như vậy tại buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng vừa qua.
Đến hết năm 2016, tất cả các tỉnh đã lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh.
Bộ trưởng Hà nhận định, quy hoạch xây dựng là một vấn đề hết sức quan trọng, là lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng. Pháp luật hiện hành quy định, quy hoạch xây dựng là cơ sở để thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn. Các địa phương hiện đã đẩy mạnh công tác lập, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch phân khu.
Đến hết năm 2016, tất cả các tỉnh đã lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh. Theo đó, tỷ lệ lập quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35% so với diện tích đất xây dựng đô thị, quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%. Bên cạnh đó, năng lực tổ chức, quản lý thực hiện đầu tư phát triển đô thị của một số cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia đã được nâng cao.
Vậy nhưng, tiến độ xây dựng các loại quy hoạch còn chậm ở một số địa phương; chất lượng quy hoạch còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Hầu hết các đô thị trên cả nước hiện đã lập và phê duyệt quy hoạch chung đô thị làm căn cứ quản lý phát triển đô thị, tuy nhiên tiến độ lập, phê duyệt chương trình vẫn còn chậm. Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng là cần thiết nhưng trong tổ chức thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch, cấp giấy phép quy hoạch chưa được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, công tác quy hoạch cũng nổi lên một số vấn đề như chất lượng quy hoạch đang bộc lộ một số bất cập. Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Quy hoạch xây dựng là tổng thể của các quy hoạch, do đó chất lượng quy hoạch làm không tốt, xử lý không tốt sẽ dẫn đến hệ lụy như ùn tắc giao thông, ngập lụt ở các thành phố lớn, quá tải hạ tầng ở một số khu đô thị”.
Việc cấp giấy phép xây dựng các công trình căn cứ vào quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch, giấy phép quy hoạch, kiến trúc được phê quyệt. Thế nhưng, thực tế cho thấy, không ít công trình cao tầng khi triển khai xây dựng không thực hiện đúng với giấy phép xây dựng về chiều cao công trình, khoảng lùi, mật độ xây dựng gây quá tải về hạ tầng trong khu vực nội đô, ảnh hưởng tới không gian cảnh quan, kiến trúc chung.
Tồn tại một số hạn chế về công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, thiếu nguồn lực cho phát triển đô thị nên việc xây dựng đô thị chưa đồng bộ, không ít dự án đầu tư xây dựng triển khai thiếu kế hoạch, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực dự án chưa đồng bộ và thiếu kết nối phù hợp với hệ thống hạ tầng chung ngoài khu vực dự án, vì thế một số công trình xây dựng không tuân thủ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gây bức xúc trong dư luận.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần hoàn thiện lại thể chế và có những công cụ quản lý hữu hiệu để kiểm soát được quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch, nhất là phân cấp đô thị. Bộ Xây dựng hiện đang trình Chính phủ hồ sơ về xây dựng dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, đề xuất một số vấn đề quản lý toàn diện, điều chỉnh toàn diện công tác phát triển đầu tư đô thị trong thời gian tới.