Hiện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS thuộc Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo về phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư, từ đó xác định giá trị chung cư và làm cơ sở để áp mức giá dịch vụ quản lý vận hành.
Cụ thể, chung cư được chấm điểm xếp thành 03 hạng A, B, C theo 04 nhóm tiêu chí sau: Quy hoạch kiến trúc, mức độ và chất lượng hoàn thiện, hệ thống kỹ thuật hạ tầng khu ở và tiện ích - chất lượng dịch vụ quản lý vận hành.
Trong đó, hạng A là các chung cư cao cấp có tổng điểm từ 95-100 điểm, đảm bảo điểm số tối thiểu của cả 04 tiêu chí nêu trên. Trong khi đó, nhà hạng B có tổng điểm từ 80-90 điểm. Còn chung cư hạng C dưới 80 điểm là các tòa nhà thông thường, xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Việc phân hạng chung cư nhằm đưa hoạt động quản lý nhà chung cư ngày càng
chuyên nghiệp, đồng thời hạn chế kiện tụng, tranh chấp.
(Ảnh minh họa, nguồn: Cafef)
Dự thảo cho biết, đối tượng phân hạng là chung cư thương mại và tái định cư, nhà xã hội sẽ không xếp hạng. Việc phân hạng chung cư nhằm đưa hoạt động quản lý nhà chung cư ngày càng chuyên nghiệp, đồng thời hạn chế kiện tụng, tranh chấp. Khi nhà chung cư được phân hạng cao, theo đó giá trị cũng cao hơn và ngược lại. Mặt khác, trên cơ sở xếp hạng đó người sử dụng và đơn vị quản lý thỏa thuận giá dịch vụ hợp lý, bạn soạn thảo cho hay.
Việc phân hạng và công nhận nhà chung cư được thực hiện theo đề nghị của chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu nhà chung cư và được thực hiện đối với từng chung cư độc lập đã được bàn giao và đưa vào sử dụng sau ngày Luật Nhà ở có hiệu lực (01/07/2015). Còn với những chung cư đã được bàn giao và đưa vào sử dụng trước thời gian này, trong trường hợp có đề nghị phân hạng phải có sự thống nhất của các chủ sở hữu và có văn bản đề nghị của ban quản trị chung cư.
Các địa phương hoặc Sở Xây dựng có thể giao cho các hội nghề nghiệp chấm điểm từng tiêu chí rồi cộng tổng lại để xếp hạng nhà chung cư. Thời hạn quyết định công nhận hạng nhà chung cư có hiệu lực 5 năm.