Tái định cư cho người dân chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ

  31/03/2016 - 09:14

Thống kê của Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, hiện TP còn hơn 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch. Kế hoạch đặt ra là giải tòa, di dời một nửa trong số này trong 5 năm tới.

Trong đó, quận 8 và quận 4 là 2 địa phương có số lượng nhà ở lụp xụp trên và ven kênh rạch nhiều nhất. Song, để di dời những người dân nơi đây cần có sự đồng thuận từ nhiều phía.

Cụ thể, quận 8 được xem là địa phương có số hộ sống trên và ven kênh rạch nhiều nhất Tp.HCM. Tổng số nhà trên và ven sông, kênh rạch trên địa bàn quận khoảng 12.369 căn. Quận đã tổ chức giải tỏa, di dời dân trong thời gian qua để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (P.9, P.10, P.11); thực hiện cải thiện môi trường nước kết hợp dự án đầu tư xây dựng Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ.

Hiện còn khoảng 9.503 khu đất, căn nhà ven và trên sông, kênh rạch, chủ yếu tập trung dọc các tuyến kênh Đôi, kênh Tàu Hũ - Lò Gốm. Phần lớn nhà trên và ven kênh rạch xây dựng không hợp pháp, nhà cấp 3, cấp 4 lụp xụp, chắp vá, kết cấu tạm bợ. Những căn nhà loại này đều thiếu tiện nghi cơ bản như: một số hộ thiếu đồng hồ điện riêng, thiếu nhà vệ sinh, nhất là nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống rạch làm mức độ ô nhiễm ngày càng tăng và gây ngập úng nghiêm trọng. Người dân chủ yếu sinh sống bằng làm thuê nên đời sống rất khó khăn.

Bàn về vấn đề này, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình nâng cấp đô thị (trực thuộc UBND Tp.HCM), ông Nguyễn Thanh Liêm cho hay, thời gian qua TP đã rất nỗ lực di dời tái định cư người dân sống trên và ven kênh rạch, cải thiện môi trường sống cho người dân. Thế nhưng, vẫn còn không dưới 20.000 hộ gia đình cần phải di dời trong vòng 5 năm tới, gồm cả những hộ trước đó đã di dời đến nơi ở mới nhưng quay về.

nhà trên kênh rạch
 Tp.HCM hiện còn hơn 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch. 

Tại Tp.HCM, chung cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) được xem là một 'đại chung cư' tái định cư cho những hộ dân bị di dời từ ven kênh rạch với gần 2.000 căn hộ và trên 500 nền đất. Số hộ dân về đây ở chưa đến 15% dù dự án đã hoàn thành từ gần 5 năm nay. Ngụ tại nhà 4.6 khu C6, Anh Trần Đức Tài chia sẻ: “Lúc trước sống dưới đất ô nhiễm đủ thứ nhưng do công ăn việc làm nên cứ bám trụ. Nay lên đây cũng có cái bất tiện nhưng môi trường sống trong lành, dịch vụ đầy đủ”. Vậy nhưng, không phải ai cũng đến rồi ở như anh Tài mà nhiều người đến rồi đi hoặc nghe đến chung cư là không thích. “Bà con ở đây chủ yếu là dân lao động nghèo, ít chữ, chỉ biết buôn thúng bán bưng, bốc xếp, nhặt nhạnh ve chai để sống qua ngày. Vì thế, lên chung cư biết làm gì để sống? Điều sống còn với người dân lao động là ngoài một chỗ ở thì làm gì để mưu sinh mới là kế sách lâu dài", ông Ba đen ngụ đường Tôn Thất Thuyết (Q.4) cho hay.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Năm chia sẻ: “Chúng tôi ở trên sông bao đời nay sống thấp thỏm, thu nhập rất thấp, nghề nghiệp không có. Tôi nghe nói lên chung cư sẽ phải trả nhiều chi phí… trong khi bình thường như thế này kiếm được đồng nào ăn hết đồng nấy nên sẽ áp lực lắm”. Bà đã từng gặp nhiều người ở rạch Ụ Cây (Q.8) được bố trí lên chung cư phải bán nhà tái định cư quay về lại quận 8 mưu sinh vì không sống nổi.

Bà Huỳnh Thị Loan đã ở cùng gia đình trên kênh Đôi từ năm 1978 với 8 người con sống trong căn nhà 80m2. Nay cả 8 người con của bà Loan đều đã có gia đình và được 'ra riêng' chính trong ngôi nhà chung này. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng và hai đứa con được chia 8-10m2 trong căn nhà lớn. Vừa qua, vợ chồng một người con của bà Loan đã sống chung trong nhà 20 năm nay dọn ra ngoài thuê ở trọ cho rộng rãi. Song, điều kiện sống quá khó khăn lại dắt nhau trở về. Ở trong căn nhà này chật chội, bấp bênh nhưng hàng tháng không phải trả tiền thuê nhà, không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Nhưng nếu lên chung cư với rất nhiều ràng buộc và nhiều khoản phí thì rất khó khăn với người dân, bà Loan tâm sự.

Trong dịp tiếp xúc với người dân được di dời từ các kênh rạch đến tái định cư tại chung cư Vĩnh Lộc B mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, quan điểm của TP là khi tái định cư cho người dân chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ. Có thể công ăn việc làm bất tiện hơn, vì thế địa phương cần phải hết sức quan tâm.

(Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu