Công tác quy hoạch và quản lí đô thị đang đặt ra nhiều vấn đề không nhỏ. Điều này đặt ra thách thức cho hệ thống và tư duy quy hoạch hiện hành, đòi hỏi các nhà quản lý, các chuyên gia quy hoạch đô thị nhận biết sâu sắc hơn về các vấn đề đô thị, cùng tìm ra các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trên.
Tăng cường năng lực quản lý đô thị cho các địa phương
Đô thị hóa luôn là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đối với bất cứ quốc gia phát triển nào. Trong thời điểm hiện nay, khi mà cạnh tranh kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa đang trở thành vấn đề nóng hổi thì việc xác định và xây dựng các chính sách phát triển đô thị sao cho phù hợp đang trở thành mối quan tâm trọng điểm rất nhiều quốc gia trên thế giới.
|
Hệ thống đô thị Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực.
|
Việt Nam là một trong những nước chịu rất nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước sẽ gặp không ít khó khăn. Nhưng thống kê trong gần 20 năm qua cho thấy, hệ thống đô thị Việt Nam vẫn đạt được những chuyển biến tích cực và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Từ năm 1999 đến năm 2015 chúng ta đã đạt được những thành tựu không nhỏ khi đưa tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% lên 37,5% (tăng 13,7%). Mức tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị trung bình đạt từ 10 - 15%, nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của khu vực đô thị đạt khoảng 70 - 75% trong cơ cấu GDP cả nước.
Để có thể xây dựng và quy hoạch phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương, cần đưa ra những nghiên cứu đánh giá, tăng cường năng lực quản lí cho địa phương ở cấp thấp hơn để đảm bảo hiệu quả quy hoạch. Bởi trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi không chỉ đổi mới về thể chế, nguyên tắc và quy trình mà còn cả về tư duy, kỹ năng của các nhà quy hoạch và xây dựng.
Do đó, để nâng cao tính thực tiễn của quy hoạch đô thị, cần có sự tham vấn một cách khoa học và hiệu quả. Đồng thời, các giải pháp quy hoạch và dự toán ngân sách cần phải dựa trên những dữ liệu đánh giá một cách chuẩn xác và khoa học về các vấn đề như: quy mô dân số, các hoạt động kinh tế và phát triển đô thị.
Sáng kiến phát triển đô thị xanh và bền vững
Vừa qua tại Quảng Nam đã diễn ra Diễn đàn Quy hoạch và Phát triển đô thị hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH do Bộ Xây dựng và Diễn đàn đô thị Việt Nam và UN Habitat phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức đã diễn ra nhiều phiên thảo luận xung quanh các vấn đề về công tác quản lí và quy hoạch đô thị như: Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị; cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ đô thị; chú trọng giảm nghèo và tăng trưởng bao trùm; nâng cao năng lực quản trị và tính hiệu quả của quy phạm pháp luật về phát triển đô thị; bảo vệ môi trường và ứng phó có hiệu quả với BĐKH, tăng cường khả năng tiếp cận nhà ở phù hợp với điều kiện thu nhập.
Những vấn đề trên sẽ được tổng hợp lại thành Sáng kiến quy hoạch và PTĐT năm 2016 dựa trên những trao đổi, thảo luận, ý kiến đánh giá của các chuyên gia, tổ chức... Sau khi được thông qua, Sáng kiến sẽ được truyền tải rộng rãi đến đông đảo các tổ chức thành viên của Diễn đàn đô thị Việt Nam.
Đề án 1961 của Chính phủ về “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp” đã nêu rõ, một vấn đề liên quan đến nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị chính là công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý xây dựng và đô thị hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH.
Đại diện Học viện Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ quản lý ngành xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Trong các nội dung giảng dạy, chủ đề phát triển đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó BĐKH luôn là một trong các nội dung được lựa chọn làm chủ đề xuyên suốt cho các khóa học.
Cơ quan điều phối Diễn đàn “Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu” khẳng định: Đô thị hóa luôn là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Khi sức mạnh của toàn cầu hóa và cạnh tranh thương mại quốc tế về đô thị đáp ứng cho phát triển đang trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khu vực đô thị có vai trò hết sức đặc thù trong việc tạo ra sự cộng hưởng giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường. Đây là nhân tố mấu chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó BĐKH ở cấp độ quốc gia cũng như trên toàn cầu…