Theo dự thảo Luật kinh doanh BĐS, trong thời gian tới hàng loạt các loại phí dự kiến sẽ đánh vào các doanh nghiệp địa ốc. Đại diện của giới chủ địa ốc nói rằng những gánh nặng này, sẽ tính vào giá thành căn hộ hoàn thiện…
Cụ thể, doanh nghiệp địa ốc sẽ đối mặt với hai loại phí: Tiền ký quỹ thực hiện dự án BĐS và tiền bão lãnh cho người mua nhà, mà trong luật Kinh doanh BĐS có nói đến.
Gánh nặng mới cho doanh nghiệp
Trong Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS, chủ đầu tư phải có bảo lãnh của tổ chức tài chính hoặc ngân hàng về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ thay thế nếu xảy ra biến cố mới được phép ký hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai.
Về quy định này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam cho biết: So với thế giới, đã rất nhiều nước có hẳn hiệp hội các nhà bảo lãnh nhà ở nhưng ở Việt Nam thì chưa có. Thế nên Chính phủ sẽ chỉ định một công ty tài chính hoặc ngân hàng đứng ra bảo lãnh, họ sẽ giám sát nguồn tiền huy động sử dụng đúng mục đích và nếu chủ đầu tư không bàn giao nhà thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Ngoài việc phải đóng tiền bảo lãnh người mua nhà, các doanh nghiệp địa ốc sắp tới khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thì phải có nghĩa vụ nộp tiền ký quỹ dự án BĐS.
Nói về hai khoản phí này, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng gánh nặng mới của doanh nghiệp BĐS chính là hai loại phí kể trên. Bởi hiện tại, doanh nghiệp BĐS đã phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ tài chính như phí giải phóng mặt bằng, phí sử dụng đất,…Nếu giờ thêm phí bảo lãnh vào tiền ký quỹ thì doanh nghiệp sẽ cạn vốn.
|
Giá nhà sẽ có biến động lớn khi chi phí đầu vào của doanh nghiệp BĐS tăng cao |
Người mua nhà phải chấp nhận
Thứ trưởng Nam cũng giải thích rõ hơn về số tiền doanh nghiệp địa ốc phải nộp khi thực hiện phí bão lãnh cho người mua nhà, cụ thể: Số tiền bảo lãnh sẽ được cộng vào giá bán và người mua nhà phải chấp nhận. Vì đây chính là phí bảo đảm quyền lợi cho người mua nhà.
Trước những quy định mới này, Hiệp hội BĐS Tp.HCM đã gửi văn bản kiến nghị bổ sung một số nội dung. Cụ thể, Hiệp hội BĐS Tp.HCM đề nghị xây dựng chế định ký quỹ theo một số nguyên tắc không áp dụng ký quỹ đối với các dự án mà doanh nghiệp đã thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án.
Đối với trường hợp được bảo lãnh đầu tư, bảo lãnh thực hiện dự án, hoặc văn bản của tổ chức tín dụng cam kết cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp thực hiện dự án thì không cần ký quỹ.
Hiện, chưa có quy định nào ghi rõ tiền ký quỹ được tính theo tỷ lệ % trên mức đầu tư của dự án cho phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Gỉa sử tiền quy định ký quỹ này được tính theo mức tổng hoàn thiện dự án, chỉ vài chục % thôi thì sẽ không một doanh nghiệp nào chịu nổi. Theo ông Châu vì vậy, ký quỹ chỉ nên tính đến giai đoạn xong bồi thường giải phóng mặt bằng, chứ tính mức tổng đầu tư dự án thì doanh nghiệp sẽ chết hết.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng nói rõ hơn về hai loại phí sắp tới các doanh nghiệp địa ốc phải đóng: Số tiền bảo lãnh sẽ rất lớn nếu dự án nhà ở hàng trăm căn hộ. Ngoài ra còn khoản ký quỹ, bên ngân hàng Nhà nước có nói là khoảng 30%. Đây là hai khoản tiền rất lớn và sẽ được tính vào chi phí đầu tư ban đầu.
Như vậy, cuối cùng là người mua sẽ phải chịu bởi tất cả khoản phí doanh nghiệp bỏ ra đều tính và giá thành của người mua.