Quản lý bất động sản (BĐS) là một lĩnh vực quan trọng trong kinh doanh BĐS, đặc biệt là đối với các dự án cao cấp, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng cho thuê,… Vậy nhưng, không nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, trong khi nhiều đơn vị quản lý chuyên nghiệp vẫn phải loay hoay tìm hướng đi cho mình.
Quản lý BĐS là cần thiết
Về định nghĩa, quản lý BĐS là những công việc liên quan đến quản lý hoạt động và các dịch vụ được cung cấp cho BĐS và cư dân sinh sống tại đó. Có nghĩa là tổ chức thực hiện một loạt dịch vụ như đảm bảo an ninh, coi giữ tài sản và phương tiện đi lại; vận hành, bảo trì và ngăn ngừa sự cố của toàn bộ hệ thống kỹ thuật tòa nhà; thu gom rác thải, làm sạch, chăm sóc cảnh quan; chăm sóc khách hàng, đối ngoại, đối nội, giám sát hoạt động, nhân sự và tài chính hoạt động.
Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Jones Lang Lasalle ông Stephen Wyatt đánh giá, việc quản lý tốt BĐS là rất cần thiết và quan trọng. Quản lý BĐS không những đảm bảo cho cơ sở hạ tầng, các tiện ích… của dự án luôn ở trong trạng thái hoạt động tốt, dịch vụ được tối ưu hóa, kiến tạo một môi trường sống lý tưởng, ổn định, bền vững và hợp lý trong khoảng ngân sách cho phép mà còn góp phần tăng giá trị BĐS cho các chủ sở hữu.
Dự án BĐS sẽ gia tăng giá trị nếu được vận hành, quản lý bởi các nhà quản lý
chuyên nghiệp. Ảnh: Lê Toàn.
Phó Tổng giám đốc M.I.K Land (nhà phát triển BĐS nổi tiếng với thương hiệu Imperia) bà Lê Thị Hải Châu cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, một dự án BĐS để thực sự tạo không gian sống hoàn hảo, chủ đầu tư và nhà quản lý, phát triển dự án phải làm việc như khi xây, dọn nhà cho chính gia đình mình.
“Nếu anh tạo ra một sản phẩm mà chính anh không muốn ở thì có nghĩa là giá trị xã hội của anh không được thị trường ghi nhận. Trên thực tế, báo chí đã từng phản ánh các trường hợp người nông dân trồng rau bán một khoảnh, trồng riêng ăn một khoảnh, họ bán rau rồi lại phải mua thịt, cá, mắm muối về ăn… Một khi ai cũng nghĩ sẽ dành cho người khác những gì thấp cấp để tối đa hóa lợi nhuận thì xã hội sẽ trở thành cái 'đèn cù' xoay tròn theo chiều hướng xuống. Cũng tương tự như vậy với kinh doanh dịch vụ BĐS", bà Châu cho biết.
Cần chuyên nghiệp hóa trong quản lý BĐS
Mặc dù đánh giá cao vai trò của quản lý phát triển BĐS trong sự phát triển chung của thị trường, song các chuyên gia cũng thừa nhận, ít người nhận thức được điều này.
Hiện nay, tại Việt Nam, ngành quản lý BĐS mới được hình thành trong ít năm nay. Việt Nam gia nhập WTO, những công ty quản lý BĐS lớn trên thế giới bắt đầu có mặt và hoạt động mạnh ở mảng quản lý BĐS thương mại tại thị trường Việt Nam.
Trong 2 năm qua, ngành quản lý BĐS bắt đầu có sự rõ ràng hơn khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi cùng các văn bản hướng dẫn như Nghị định 99/2015/NĐ-CP hoặc Thông tư 02/2016/TT-BXD đã đưa các quy chế về quản lý nhà vào luật.
Song, nhìn chung khái niệm về quản lý BĐS dường như mới mẻ và còn được hiểu một cách khá chung chung đối với nhiều cư dân, cũng như các công ty phát triển BĐS và ngay cả đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Vậy nên, Việt Nam hiện có rất ít tên tuổi trong nước được nhận diện như một nhà quản lý chuyên nghiệp như M.I.K Land hay TNR Holdings…, các đơn vị kinh doanh dịch vụ khác như PMC, My house, Savista,… mới chỉ tập trung quản lý những BĐS có giá trị, quy mô nhỏ của chính công ty mình.
Một khi thị trường chỉ có một vài 'tay chơi' chuyên nghiệp thì để đảm bảo việc vận hành và hoạt động ổn định của các khu căn hộ, không ít công ty phát triển BĐS sẽ phải đảm đương luôn cả công việc quản lý. Vì thế, việc xảy ra các xung đột, mâu thuẫn giữa đơn vị phát triển BĐS, đơn vị quản lý BĐS và cư dân dễ xảy ra.
Chính vì vậy, việc cần làm sắp tới là cần phải có một định nghĩa khoa học, rõ ràng và kế hoạch phát triển nghiêm túc đối với ngành quản lý BĐS để tạo ra được những doanh nghiệp chuyên nghiệp, kết nối với người bán, người mua ngay từ ban đầu và làm gia tăng giá trị của các dự án BĐS tại Việt Nam.