Tp.HCM chỉ đạo không lập vi bằng cho nhà, đất chưa có sổ đỏ

  25/05/2018 - 06:15

Theo thông tin từ Sở tư Pháp Tp.HCM ngày 22/5, cơ quan này đã có công văn gửi đến các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn với nội dung yêu cầu không được lập vi bằng cho các trường hợp nhà, đất chưa có sổ.

Công văn chỉ đạo, các Trưởng văn phòng Thừa phát  phải thực hiện nhất quán việc không lập vi bằng đối với các trường hợp mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền, không lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.

Bên cạnh đó, các sự kiện, hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có giấy chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật nhằm mục đích chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu cũng không được phép lập vi bằng Thừa phát lại.

Với các trường hợp được phép lập vi bằng thì thừa phát lại phải giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng đã lập để người yêu cầu lập vi bằng nắm rõ, tránh trường hợp “ngộ nhận” rằng vi bằng có giá trị như văn bản được công chứng, chứng thực. 

vi bằng thừa phát lại
Nhiều người ngộ nhận vi bằng thừa phát lại với văn
bản công chứng, chứng thực. Ảnh minh họa

Cũng trong công văn trên, Sở tư pháp Tp.HCM yêu cầu các văn phòng Thừa phát lại phải chú ý đến việc ký quỹ hoặc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho thừa phát lại nếu có tiếp nhận thừa phát lại mới.

Công văn nhấn mạnh, Văn phòng Thừa phát lại phải có một trụ sở và không được phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện. Trưởng văn phòng cũng không được đặt thêm các địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của văn phòng khi chưa có ý kiến chỉ đạo.

Như Tiền Phong đã đưa tin trước đó, Văn phòng Thừa phát lại quận Gò Vấp từng bị Sở Tư pháp Tp.HCM ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động vào tháng 12/2017 do có dấu hiệu lập vi bằng tặng cho Quyền sử dụng đất tại quận 12.

Ngoài ra, Văn phòng này còn vi phạm trong việc lập 78 vi bằng liên quan, trong đó có hai vi bằng không có sự chứng kiến trực tiếp sự việc, cũng không giải thích rõ, đầy đủ giá trị pháp lý của vi bằng, khiến người dân ngộ nhận vi bằng của Thừa phát lại có giá trị như văn bản công chứng, chứng thực.

(Theo Tiền Phong online)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu