TP.HCM: Hơn 2.000 trường hợp vi phạm xây dựng

  28/10/2019 - 11:53

Tính đến tháng 10, tại TP.HCM đã có tới hơn 2.000 trường hợp vi phạm xây dựng, trong đó khu vực đô thị hóa nhanh như quận Bình Tân, Thủ Đức, huyện Bình Chánh là những nơi tập trung nhiều vi phạm nhất, thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM tại hội nghị bàn về các giải pháp quản lý trật tự xây dựng đã đặt ra trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương diễn ra hàng loạt các sai phạm xây dựng nghiêm trọng. Đơn cử như trường hợp một hộ dân ngụ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đã tự ý xây tới 125 căn với tổng diện tích hơn 1.180m2 trong khi chỉ xin phép xây ngôi nhà 2 tầng, rộng 168m2.

Hay một trường hợp xin giấy phép xây 3 căn nhưng đã tăng số lượng lên tới 19 căn. Thậm chí, công trình nhà ở còn được một công ty thương mại hợp khối thành chung cư với quy mô hơn 200 hộ dân, gồm 645 nhân khẩu sinh sống. Bí thư Thành ủy khẳng định: "Một người làm cả chung cư cho hàng trăm hộ dân ở thì rõ ràng là chính quyền buông quản lý chứ không phải không biết."

Gần đây nhất là vào ngày 22/10, vị Bí thư đã phải xuống tận nơi để kiểm tra và yêu cầu xử lý đối với trường hợp  của gia đình ông Lê Hữu Thành (Phó chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức) về việc xây khu nhà xưởng rộng hơn 1.800m2 trái phép nhưng vẫn tồn tại suốt 7 năm khiến người dân không khỏi bức xúc.

xây dựng trái phép Dù xây dựng trái phép nhưng dãy nhà xưởng của ông Thành vẫn tồn tại suốt 7 năm trời. Ảnh: Trung Sơn
 

Tình trạng vi phạm xây dựng ở khu vực trung tâm tuy không nhiều như các quận huyện vùng ven nhưng khá "nghiêm trọng". Cụ thể, một loạt khách sạn, cao ốc và biệt thự nằm trên các tuyến đường Lưu Văn Lang, Nguyễn Đình Chiểu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Trãi (quận 1) đã được cấp phép tăng chiều cao công trình, nâng tổng số tầng và hệ số sử dụng đất không đúng quy định.

Đáng chú ý trong số đó là một dự án Khu phức hợp 5 sao nằm ở quận 5 có gần 35.000m2 xây dựng trái phép đang bị yêu cầu tháo dỡ toàn bộ 2 tầng hầm, 1 phần diện tích tầng trệt cùng nắp hầm mở rộng.

Tại dự án ở số 51 Nguyễn Chí Thanh, chủ đầu tư là Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mai Hoàng không chỉ xây dựng sai phép 5 tầng với tổng diện tích hơn 1.800m2, mà còn đưa 200 người vào ở khi công trình chưa được nghiệm thu. Chủ đầu tư đã bị UBND TP xử phạt tài chính với mức tiền kỷ lục là 925 triệu đồng vì hành vi sai phạm nghiêm trọng trên, đồng thời cắt điện nước và yêu cầu công an vào cuộc xử lý.

Trên địa bàn quận 7, dù chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng Công ty CP đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát đã tự ý xây110 căn biệt thự tại dự án Green Star Garden. Hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ sai phạm tại dự án này.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm xây dựng trên địa bàn trong thời gian qua được ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng là do giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị quận huyện chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Cùng với đó là sự hạn chế của các chủ đầu tư trong việc chấp hành pháp luật, cả nhà thầu cũng như đơn vị giám sát cũng làm chưa tốt nhiệm vụ của mình.

vi phạm xây dựng
110 căn biệt thự liền kề tại dự án Green Star Garden được xây dựng khi chưa có giấy phép. Ảnh: Hữu Khoa.

Cuối tháng 7, Bí thư thành ủy TP.HCM đã ra Chỉ thị 23 yêu cầu các địa phương xử nghiêm những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn nhằm lập lại trật tự xây dựng. Bí thư các quận huyện sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện trước Ban Thường vụ Thành ủy, còn chủ tịch quận huyện sẽ chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND thành phố. Đồng thời, yêu cầu phía cơ quan chức năng cần làm rõ và xử lý nghiêm đối với những trường hợp xây dựng cũng như môi giới rao bán các công trình xây dựng không phép, sai phép có quy mô lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng.

Nhằm tăng tính chủ động tại các địa phương trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Sở Xây dựng cùng 24 quận huyện đã phối hợp thực hiện việc lập các tổ công tác do Phó chủ tịch quận huyện dẫn đầu, được phép điều động người đi kiểm tra, xử lý. Bước này được xem là khâu chuẩn bị để lập lại Đội quản lý trật tự đô thị xây dựng trực thuộc UBND quận huyện theo nội dung Đề án đã được thành phố trình Thủ tướng trước đó.

Theo thông tin từ Ban Nội chính Thành ủy, trong vài năm trở lại đây, TP đã xử lý kỷ luật cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc đối với 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng. Cùng với đó, đã kỷ luật, cách hết chức vụ trong Đảng đối với hàng chục cán bộ huyện Bình Chánh vì đã để xảy ra sai phạm trong quản lý đất và trật tự xây dựng.

Ông Trần Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức và ông Nguyễn Nam Hải - Trưởng Phòng quản lý đô thị quận này đã bị kỷ luật cảnh cáo vào hồi tháng 3/2019. Còn ông Nguyễn Tấn Phát - Bí thư chi bộ Đội thanh tra địa bàn quận này đã bị cách hết mọi chức vụ trong Đảng. Ngoài ra, TP cũng đang xem xét cách chức đội trưởng thanh tra quận Thủ Đức.

Bà Nguyễn Thị Minh Thủy - Phó chủ tịch UBND phường Linh Đông cùng ông Hoàng Xuân Mạnh - Phó chủ tịch UBND phường Tam Phú đã bị Ban thường vụ Quận ủy Thủ Đức cách hết chức vụ trong Đảng. Cùng với đó, 5 tổ chức Đảng ủy (nhiệm kỳ 2015-2020) các đơn vị liên quan cũng bị cơ quan này phê bình nghiêm khắc; xử lý kỷ luật đối với 14 đảng viên. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo UBND quận Thủ Đức cần nghiêm túc khắc phục hậu quả, chấn chỉnh sai phạm trên địa bàn.

TP cũng đã xử lý kỷ luật đối với 21 cán bộ, nguyên cán bộ quận 7 vì vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng để lại hậu quả nghiêm trọng. Những người này bị cáo buộc thiếu trách nhiệm, ban hành văn bản không đúng với Luật đất đai để cho hai công trình lớn (đất có nguồn gốc lấn chiếm rạch trái phép) ngang nhiên xây dựng không phép. Việc làm này không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng khó khắc phục mà còn khiến người dân không khỏi bức xúc.

(Theo vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu