Mới đây, UBND Tp.HCM đã giao Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Tp.HCM hướng dẫn các nhà đầu tư ngành dệt may vào các khu công nghiệp còn quỹ đất cho thuê.
Theo đó, các sở, ban, ngành chức năng liên quan trong quá trình thu hút, xúc tiến, thẩm định đầu tư các dự án trong lĩnh vực dệt may trên địa bàn TP phải tuân thủ thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Sản xuất hàng dệt may tại công ty Gia Định. (Nguồn ảnh: T.H)
Khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt may (sản xuất sản phẩm may mặc hoàn chỉnh và sản xuất sản phẩm phụ trợ ngành dệt may) phải tuân thủ các quy trình thẩm tra đánh giá dự án đầu tư theo quy định hiện hành, chú trọng đánh giá công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư, xử lý môi trường đối với các khu công nghiệp và nhu cầu sử dụng lao động để chủ động xây dựng phương án cung cấp nhân lực phù hợp...
Đồng thời, xây dựng kế hoạch giám sát hoạt động bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư có khâu sản xuất dệt nhuộm, nhộm, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp, khu công nghiệp; đánh giá nhu cầu sử dụng lao động của các dự án dệt may quy mô lớn (nhu cầu sử dụng hơn 3.000 lao động) để chủ động xây dựng phương án cung cấp nhân lực phù hợp và phối hợp với chủ đầu tư quy hoạch, xây dựng nhà ở công nhân gắn với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp dệt may.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may trên địa bàn Tp.HCM và vùng phụ cận, chính quyền TP giao Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp TP và các đơn vị liên quan nhanh chóng xúc tiến việc thành lập các Trung tâm thiết kế thời trang và các Trung tâm giao dịch nguyên vật liệu phục vụ ngành dệt may.
Bên cạnh đó, UBND TP cũng giao các huyện, quận rà soát các khu đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư hiệu hữu để đề xuất xây dựng nhà giữ trẻ cho con em công nhân và người lao động.